Hội nghị loãng xương thường niên 2019

18/09/2019

Trong khuôn khổ hội nghị khoa học thường niên lần thứ XIV của Hội Loãng Xương Tp.HCM, các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho chuyên ngành thêm nhiều hiểu biết về những cải tiến trong điều trị, chẩn đoán và đánh giá nguy cơ gãy xương ở người Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức vào ngày 10/08/2019, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (International Centre for Interdisciplinary Science and Education - ICISE), quốc lộ 1D, Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn, Bình Định. Trải qua 5 phiên, với 9 báo cáo nghiên cứu, trong đó có 7 bài là của nhóm nghiên cứu cơ và xương (Vietnam Osteoporosis Study – VOS), Hội nghị từng bước thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất và thống nhất thông qua tài liệu “Hướng dẫn phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loãng xương năm 2019”.

GS. Trần Thanh Vân nói lời chào mừng khách đến dự Hội nghị

 

GS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chào đón khách đến dự Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XIV của Hội loãng xương TPHCM.

 

Khoảng hơn 300 khách mời đến tham dự tại Hội nghị

 

Từ trái sang phải, PGS TS. Phạm Ngọc Hoa, BS CKII. Hồ Phạm Thục Lan, PGS TS. Nguyễn Thị Bích Đào, GS. Nguyễn Văn Tuấn, GS. Trần Thanh Vân, PGS TS Lê Anh Thư, BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, TS BS. Huỳnh Văn Khoa

 

Phiên 1: Loãng xương, những tiến bộ và xu hướng khoa học mới.

Mở đầu báo cáo tại Hội nghị, GS. Nguyễn Văn Tuấn đã đề cập đến những tiến bộ mới trong việc điều trị với thuốc tăng tạo xương Romosozumab (Rmab), chẩn đoán loãng xương dựa trên đo mật độ xương (BMD) bằng máy DXA, có thể kết hợp trabecular bone score ở bệnh nhân tiểu đường, và đặc biệt là 2 công cụ tiên lượng gãy xương Garvan và FRAX đã giúp đánh giá nguy cơ gãy xương chính xác hơn.

Chiến lược điều trị loãng xương theo mục tiêu đã được khởi xướng từ năm 2014, nhưng dường như vẫn còn khá mới mẻ trong thực tế lâm sàng, PGS TS Lê Anh Thư đã đề ra các mục tiêu điều trị với chỉ số T > -2,5 (T > -1,5 ở bệnh nhân đã có gãy xương) và nguy cơ gãy xương chung trong 10 năm <10%, kết hợp với việc đánh giá BMD bằng máy DXA, sử dụng thuốc và giảm các yếu tố nguy cơ té ngã trong quá trình điều trị bệnh.

Phiên báo cáo 1 còn có sự góp mặt tham gia của BS CKII. Hồ Phạm Thục Lan, nhóm nghiên cứu VOS với bài Biến chuyển mật độ xương trong thời gian mãn kinh và BS CKI. Châu Ngọc Minh Phương, Bệnh viện Nhân Dân 115 với Tỷ lệ loãng xương trên phụ nữ chưa mãn kinh dùng glucocorticoid kéo dài.

BS CKII. Hồ Phạm Thục Lan báo cáo biến chuyển mật độ xương ở nữ trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh

 

Phiên 2: Loãng xương ở bệnh nhân đái tháo đường, thách thức và giải pháp.

Vấn đề gãy xương ở bệnh nhân ĐTĐ, việc lựa chọn thuốc điều trị khi cân nhắc đến ảnh hưởng chất lượng xương đã được 2 chuyên gia của Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam là GS. Nguyễn Hải Thủy và PGS TS. Nguyễn Thị Bích Đào báo cáo rất chi tiết đến Hội nghị.

Đây là phiên báo cáo có nhiều kết quả nghiên cứu của nhóm VOS về chỉ số xương xốp (Trabecular Bone Score – TBS) trong tương quan và tiên lượng sức khỏe xương ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ). Ngoài ra, công cụ đánh giá nguy cơ loãng xương online trên website http://www.suckhoexuong.vn cũng đã được nhóm VOS giới thiệu rộng rãi đến khách mời tham gia.

ThS BS. Đoàn Công Minh và báo cáo về mối tương quan giữa tiền ĐTĐ, ĐTĐ tuýp 2 và chỉ số TBS

ThS BS. Nguyễn Dạ Thảo Uyên giới thiệu công cụ đánh giá nguy cơ loãng xương trên website http://www.suckhoexuong.vn

 

GS. Nguyễn Văn Tuấn và kết quả nghiên cứu về NSAID ở bệnh nhân thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp

 

Phiên 3: Thách thức và giải pháp trong kiểm soát toàn diện bệnh loãng xương.

Theo báo cáo của BS CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp và PGS TS. Lê Anh Thư, ngoài các thuốc điều trị loãng xương, các yếu tố liên quan như dinh dưỡng, việc sử dụng corticoid ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng ngừa và điều trị loãng xương cho bệnh nhân, tiến đến kiểm soát toàn diện căn bệnh.

Y học dựa trên bằng chứng, kết quả nghiên cứu Precision và Precision ABPM về thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp cho thấy NSAID chọn lọc có hiệu quả giảm đau, viêm và “hồ sơ an toàn” tương đối tốt hơn so với các NSAID không chọn lọc.

 

Phiên 4: Tiếp cận toàn diện bệnh nhân loãng xương.

Phiên Hội nghị bắt đầu sau giờ ăn trưa, tập trung khai thác các vấn đề về lợi ích, nguy cơ của các phương pháp điều trị loãng xương, biến chứng gãy xương do loãng xương và sự phối hợp các chuyên khoa với nhau như Lão Khoa, Nội Cơ Xương Khớp và Chấn Thương Chỉnh Hình.

Với sự tham gia báo cáo của PGS TS. Nguyễn Văn Trí, PGS TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, TS BS. Lê Văn Tuấn, TS BS. Võ Thành Toàn và ThS BS. Hà Thị Kim Chi, Hội nghị đã thảo luận về các yếu tố dinh dưỡng, vận động có thể làm chậm tiến trình lão hóa xương, phối hợp các liệu pháp điều trị bằng thuốc và vai trò của bác sĩ chấn thương chỉnh hình trong phòng ngừa, điều trị và quản lý gãy xương do loãng xương.

 

Phiên 5: Loãng xương, gãy xương, nguy cơ tử vong và các khía cạnh khác của bệnh.

Theo kết quả nghiên cứu từ Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS TS. Nguyễn Đình Khoa và TS BS. Huỳnh Văn Khoa đã cho thấy vai trò quan trọng của Vitamin D và Phospho trong phòng ngừa và điều trị loãng xương, gãy xương.

Tham gia vào phiên báo cáo, nhóm nghiên cứu VOS đã cho biết về tần suất mới mắc của gãy xương ngoài cột sống ở Việt Nam và đặc biệt là kết quả đánh giá nguy cơ té ngã bằng thông số từ máy Leonardo, một trong những kỹ thuật còn rất mới, chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Kết thúc thảo luận, Hội đồng khoa học đã tổng kết lại kết quả đạt được từ Hội nghị lần thứ XIV và thông qua Hướng dẫn phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loãng xương năm 2019. Tất cả thành viên của Hội Loãng Xương Tp.HCM ăn tối và giao lưu với nhau tại nhà hàng Hoàng Hậu, khu du lịch Ghềnh Ráng, Bình Định.

 

                                                                                                                        Bs Dương Hải

Tin và bài liên quan

Xem thêm