Đau vai: những điều cần biết

25/09/2018

Những Vấn Đề Phổ Biến Nhất Liên Quan Đến Vai Là Gì? Được biết đến như một khớp linh động nhất trong cơ thể, vai còn là một trong những khớp kém bền vững và dễ bị tổn thương. Có nhiều vấn đề về vai khác nhau như bong gân, căng cơ, trật khớp, tách khớp, viêm gân, viêm bao hoạt dịch, rách gân chóp xoay, cứng vai, gãy xương và viêm khớp… Tất cả sẽ được phân tích cụ thể.

Mức Độ Phổ Biến Các Vấn Đề về Vai

Theo thông kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention), khoảng 1.2 triệu người ở Mỹ nhập viện vào năm 2010 vì các vấn đề liên quan đến vai [1].

Các Bộ Phận và Chức Năng Của Vai

Để hiểu hơn rõ về các vấn đề vai và nguyên nhân, hãy bắt đầu bằng việc phân tích cấu trúc cùng chức năng của vai.

Khớp vai được cấu thành từ ba xương: xương đòn (xương quai xanh), xương bả vai, xương cánh tay (xương chi trên) (xem hình minh họa). Hai khớp giúp vai di chuyển dễ dàng. Khớp cùng - đòn nằm giữa mỏm cùng vai (là phần cấu trúc cao nhất của xương bả vai) và xương đòn. Khớp ổ chảo - cánh tay, còn được gọi là khớp vai, là khớp cầu giúp vai di chuyển tới lui và cho phép cánh tay xoay tròn cùng động tác nâng lên hạ xuống. (“Phần cầu” là phần chỏm đầu xương cánh tay; “Hốc” - ổ chảo - là phần rìa ngoài dạng hình dĩa của xương bả vai, nơi mà “phần cầu” sẽ khít vào.) Bao nang là phần mô mềm bao quanh khớp cánh tay. Nó được lót bởi lớp màng hoạt dịch mỏng, mịn.

Không hoàn toàn mang tính chất dạng khớp cầu như khớp hông, phần cầu khớp vai vốn nhỏ hơn và hốc ổ chảo cũng nông hơn, từ đó khiến cho hai bộ phận này dễ trượt ra khỏi nhau. Vì xương khớp vai có tính cố định thấp nên chúng phụ thuộc nhiều vào những mô mềm bao quanh như bao khớp cùng những cơ ống xoay vai để giữ phần chỏm xương cánh tay đúng chỗ. Trong khi khớp hông thường ổn định hơn nhờ cấu trúc xương bao vây và tương đối bất động. Mặc khác, xương vai tương đối bất ổn định nhưng lại có tính linh động cao, từ đó cho phép mỗi chúng ta thoải mái di chuyển tay đến nhiều vị trí khác nhau. Đây chính là một trong những khớp linh hoạt nhất trong cơ thể con người.

Các xương vai được giữ đúng vị trí bởi cơ, gân và dây chằng. Gân là các dây mô dẻo dai giữ các cơ vai bám vào xương và hỗ trợ cơ trong việc cử động vai. Dây chằng giữ cố định các xương vai với nhau và giúp làm ổn định khớp vai. Vi dụ, phần trước bao khớp được giữ bởi ba dây chằng ổ chảo - cánh tay. Ống xoay là cấu trúc cấu thành từ những bó cơ và gân giúp giữ phần chỏm xương cánh tay trong ổ chảo, đồng thời cung cấp sự linh động cùng sức bền cho khớp vai. Hai lớp túi hoạt dịch mỏng giúp các cơ, xương và gân hoạt động uyển chuyển. Chúng đệm và bảo vệ ống xoay khỏi cung xương của mỏm cùng vai.

 

Nguyên Nhân Gây Nên Các Vấn Đề về Vai

Vai rất dễ bị tổn thương vì phần cầu phía trên xương cánh tay lớn hơn phần ổ chảo ngoài xương bả vai chứa nó. Để duy trì sự ổn định, vai phải được neo giữ bởi các cơ, gân và dây chằng.

Mặc dù vai dễ chấn thương trong quá trình vận động thể thao và lao động chân tay, nguyên nhân cốt lõi lại chính do tuổi tác gây thoái hóa những phần mô mềm xung quanh (như các cơ quanh ống xoay). Tỉ lệ hiện mắc những vấn đề ống xoay đang gia tăng đáng kể và thường được phát hiện phần lớn ở nhóm tuổi trên 60. Thông thường, tay thuận và tay không thuận đều có thể bị ảnh hưởng ở mức độ như nhau. Sử dụng vai quá nhiều sẽ thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng.

Đau vai có thể được cảm nhận tại một điểm nhỏ, ở khu vực lớn hơn và thậm chí lan tỏa xuống phần cánh tay. Sự đau đớn do các bệnh trong cơ thể khác (như bệnh túi mật, bệnh gan, bệnh tim, bệnh cột sống cổ) cũng có thể lan truyền theo các dây thần kinh đến vai. Tuy nhiên, những nguyên nhân trên không thuộc phạm vi nghiên cứu trong ấn phẩm này. Chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến vai.

Các Vấn Đề về Vai Được Chẩn Đoán Như Thế Nào?

Cũng như các vấn đề sức khỏe khác, vấn đề về vai được chẩn đoán tổng quát dựa trên quy trình ba bước.

·              Bệnh sử. Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ về các chấn thương hoặc những tình trạng sức khỏe khác có khả năng gây ra cơn đau.

·              Kiểm tra thể trạng. Bác sĩ kiểm tra những tổn thương và khả năng chuyển động, vị trí đau cùng khu vực khớp kém ổn định.

·              Thực hiện các xét nghiệm. Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc một số xét nghiệm được liệt kê dưới đây nhằm đưa ra những chẩn đoán cụ thể:

−     Chụp X-quang. Đây là một quy trình quen thuộc sử dụng bức xạ bước sóng ngắn truyền qua cơ thể để tạo ra một bức ảnh gọi là ảnh X-quang. Phương pháp này được dùng trong việc chẩn đoán rạn nứt hoặc các vấn đề về xương khác. Các mô mềm, gồm cơ và gân, không xuất hiện trên phim X-quang.

−     Chụp X-quang khớp. Những hình ảnh X-quang chụp phần khớp vai đã được tiêm thuốc cản quang nhằm giúp các cấu trúc như ống xoay,.. có thể hiện rõ nét hơn. Trong trường hợp bệnh lí hay chấn thương, chất cản quang này hoặc rò rỉ vào những nơi bình thường không tồn tại, từ đó chỉ ra những vị trí nứt, hở; hoặc sẽ bị chặn không thể đến những nơi mà chúng phải đến.

−     Siêu âm. Một quy trình không xâm lấn, thân thiện với bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng một máy quét cầm tay nhỏ đặt lên vùng da vai. Tương tự việc sử dụng để quan sát thai nhi trong thai kì, sóng siêu âm còn phản chiếu ống xoay cùng các cấu trúc khác, từ đó cho những hình ảnh chất lượng cao của các cơ quan được chụp. Siêu âm ống xoay có độ chính xác tương đối cao.

−     Chụp công hưởng từ - MRI. Là quy trình không xâm lấn, MRI sử dụng máy tạo một trường lực mạnh đi xuyên qua cơ thể để cho ra hàng loạt hình ảnh cắt lớp của vai.

 

[1] Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (CDC)/ Cơ quan Thống kê của Liên Hiệp Quốc (NCHS), Cuộc Khảo sát Chăm sóc Sức khỏe Ngoại trú của Bệnh viện Quốc gia. Cuộc Khảo sát Chăm sóc Sức khỏe Ngoại trú của Bệnh viện Quốc gia: 2010 Bản Tổng kết của Khoa Cấp cứu vào ngày 10 tháng 4, 2014, tại địa chỉ http://cdc.gov/nchs.data/ahcd/nhamcs_emergency/2010_ed_web_tables.pdf.

 

Tin và bài liên quan

Xem thêm