Hoại tử xương: chẩn đoán và điều trị

07/11/2018

Bài viết tổng hợp những thông tin khái quát nhất về việc chẩn đoán và điều trị Hoại tử xương (Hoại tử vô mạch)

Một Số Phương Pháp Chẩn Đoán Hoại Tử Xương

Sau khi đã tiến hành thăm khám sức khỏe toàn diện cũng như hỏi bệnh nhân về bệnh sử của họ, bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều kỹ thuật hình ảnh về xương nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác hơn tình trạng Hoại tử Xương. Cũng như đối với nhiều chứng bệnh khác, chẩn đoán sớm giúp nâng cao đáng kể tỉ lệ thành công trong điều trị. Những phương pháp chẩn đoán mô tả chi tiết dưới đây có thể được sử dụng nhằm xác định số lượng xương bị ảnh hưởng cùng mức độ tiến triển của bệnh.

 

Chụp X Quang

Kĩ thuật chụp hình bằng tia X, hay còn gọi là chụp X Quang, thường là phương pháp chẩn đoán đầu tiên mà các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành. Một cách đơn giản để tạo ra những hình ảnh thực tế của xương, chụp X Quang thường rất hữu ích trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp. Tuy nhiên, đối với bệnh hoại tử xương, tia X lại không đủ nhạy để có khả năng phát hiện ra những biến đổi của xương trong giai đoạn đầu phát bệnh. Vì vậy, trong trường hợp kết quả chụp X Quang là bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu cho bệnh nhân tiến hành thêm một số kĩ thuật chẩn đoán khác nhằm tăng tính chính xác cho kết quả cuối cùng. Trong những giai đoạn sau của tình trạng hoại tử xương, ảnh chụp X Quang có thể cho thấy các thương tổn ở xương, và sau khi chẩn đoán đã được đưa ra, phương pháp này thường sẽ được sử dụng nhằm theo dõi tiến triển của bệnh.

 

Chụp Cộng Hưởng Từ MRI (Magnetic Resonance Imaging)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kĩ thuật chụp Cộng hưởng Từ, hay chụp MRI, là phương pháp hiệu quả nhất có khả năng chẩn đoán tình trạng hoại tử xương ngay từ những giai đoạn đầu. Không như chụp X Quang hay chụp Cắt lớp Vi tính CT Scan (xem phần bên dưới), MRI có thể xác định được những biến đổi hóa học trong tủy xương. Phương pháp này cung cấp cho bác sĩ điều trị những hình ảnh chi tiết về vùng bị ảnh hưởng cũng như quá trình tái tạo của xương. Thêm vào đó, MRI còn có khả năng hiển thị những vùng nhiễm bệnh khác ngay từ khi chưa có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, đôi khi các bác sĩ lại khuyên bệnh nhân không nhất thiết phải tiến hành điều trị tích cực tình trạng bệnh hoại tử xương đã được phát hiện bởi phương pháp chụp MRI khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Một nghiên cứu đã cho thấy, đối với một nhóm bệnh nhân còn đang trong giai đoạn đầu của tình trạng hoại tử xương, bệnh hoàn toàn có thể cải thiện đáng kể một cách tự nhiên mà không cần thông qua quá nhiều điều trị can thiệp chuyên môn.

 

 

 

Chụp Cắt Lớp Vi Tính CT Scan (Computed/Computerized Tomography)

Chụp CT là một kỹ thuật hình ảnh cung cấp cho bác sĩ điều trị những hình ảnh ba chiều về xương. Phương pháp này còn cho thấy các "lát cắt" của xương, làm cho hình ảnh rõ ràng hơn nhiều so với chụp X Quang hay chụp Xạ hình Xương. Tuy nhiên, một số bác sĩ lại không cho rằng chụp CT thực sự hữu ích trong chẩn đoán hoại tử xương. Dù chẩn đoán thường có thể được đưa ra mà không cần thông qua chụp CT, kỹ thuật này vẫn có thể rất hữu ích trong việc xác định mức độ thương tổn của xương. Độ nhạy của chụp CT thấp hơn so với chụp MRI.

 

Chụp Xạ Hình Xương (Bone Scan)

Một phương pháp kiểm tra mang tên chụp Xạ hình Xương Technetium-99m thường sẽ được chỉ định tiến hành với những trường hợp bệnh nhân có kết quả chụp X Quang bình thường cũng như không tìm thấy yếu tố nguy cơ có khả năng gây nên tình trạng hoại tử xương. Trong kĩ thuật này, một chất phóng xạ vô hại được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch, sau đó hình ảnh của xương sẽ được ghi nhận lại bằng một loại máy chụp đặc biệt. Hình ảnh này cho ta thấy chất phóng xạ vô hại được tiêm vào trước đó đã đi qua các mạch máu trong xương như thế nào. Chỉ cần 1 lần chụp Xạ hình Xương cũng đủ để có thể tìm ra tất cả các khu vực trong cơ thể bị mắc bệnh, từ đó giúp rút ngắn thời gian cũng như số lần người bệnh phải tiếp xúc với các chất phóng xạ.

 

Sinh Thiết

Sinh thiết là một quy trình phẫu thuật tiến hành thu thập một mẫu mô từ vùng xương nhiễm bệnh và mang đi nghiên cứu kiểm tra. Mặc dù đây chính là phương pháp quyết định chủ yếu đến kết quả chẩn đoán tình trạng hoại tử xương, sinh thiết lại tương đối hiếm khi được sử dụng do yêu cầu phải phẫu thuật.

 

Đánh Giá Chức Năng Xương

Là tập hợp nhiều kĩ thuật kiểm tra khác nhau nhằm giúp xác định áp lực bên trong xương. Những kĩ thuật này có thể được chỉ định tiến hành khi bác sĩ điều trị nghi ngờ gần như chắc chắn rằng bệnh nhân đang bị hoại tử xương, kể cả trong trường hợp chụp X Quang, chụp Xạ hình Xương hay chụp MRI cho kết quả bình thường. Đây là một phương pháp vô cùng hiệu quả có khả năng giúp phát hiện áp lực gia tăng từ bên trong xương, tuy nhiên nhược điểm chính là cần phải phẫu thuật mới có thể tiến hành.

 

Các Kĩ Thuật Điều Trị Hiện Nay?

Bệnh nhân mắc phải tình trạng hoại tử xương cần nhanh chóng được điều trị thích hợp. Đây là điều cần thiết nhằm giữ cho khớp không bị phá vỡ thêm. Hầu hết những người bệnh không hợp tác điều trị sẽ vô cùng đau đớn, đồng thời chuyển động của họ cũng sẽ bị hạn chế đáng kể. Để xác định cách điều trị thích hợp nhất cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố sau đây:

−      Tuổi của bệnh nhân.

−      Giai đoạn tiến triển của bệnh (sớm hoặc muộn).

−      Vị trí và diện tích ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây bệnh - đối với một số nguyên nhân như dùng Corticosteriod hoặc sử dụng rượu quá nhiều, điều trị thông thường có thể sẽ kém hiệu quả nếu những thói quen xấu này không được loại bỏ.

Mục tiêu chính của việc điều trị tình trạng hoại tử xương là giúp cải thiện tình trạng khớp bị ảnh hưởng, giảm thiểu tối đa thiệt hại cùng thương tổn cho xương, đồng thời đảm bảo xương khớp có thể tiếp tục sinh trưởng và phát triển. Để đạt được những mục tiêu này, các bác sĩ sẽ tiến hành một hay phối hợp đồng thời nhiều phương pháp khác nhau, kết hợp giữa phẫu thuật với các kĩ thuật điều trị không can thiệp phẫu thuật.

 

Một Số Phương Pháp Điều Trị Không Phẫu Thuật

Thông thường, các bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình điều trị với những phương pháp  không phẫu thuật, đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Mặc dù những phương pháp này có thể làm giảm đau cũng như giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng với đa số trường hợp, tình trạng bệnh không có nhiều cải thiện đáng kể về lâu dài.

§  Sử dụng thuốc - Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) thường được chỉ định sử dụng giúp giảm đau (1) Đối với những trường hợp mắc các rối loạn đông máu, bác sĩ điều trị sẽ cho dùng thêm thuốc làm máu loãng, giảm cục máu đông, tăng lưu thông mạch máu nuôi xương. Thuốc hạ cholesterol có thể được sử dụng để làm giảm lượng chất béo tăng lên do tích tụ trong quá trình điều trị bằng corticosteroid (một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng hoại tử xương) (2)

§  Giảm trọng lượng - Nếu được chẩn đoán sớm, các bác sĩ có thể bắt đầu điều trị bằng phương pháp làm giảm trọng lượng đè lên xương khớp bệnh nhân. Nên hạn chế những hoạt động nặng, đồng thời có thể sử dụng nạng để hỗ trợ khớp nếu cảm thấy cần thiết. Trong một số trường hợp, việc giảm trọng lượng dồn lên cơ thể có khả năng làm chậm lại tốc độ tổn thương do tình trạng hoại tử xương gây ra, từ đó bệnh nhân có thể dần hồi phục mà không cần phải điều trị chuyên sâu thêm nữa. Khi kết hợp với thuốc giảm đau, đây được xem là phương pháp hiệu quả nhằm tránh hoặc trì hoãn phẫu thuật cho bệnh nhân.

§  Các bài tập vật lí trị liệu theo dõi phạm vi chuyển động của xương khớp - Một chương trình tập luyện với mục đích khôi phục chuyển động cho những vùng khớp bị tổn thương, đồng thời tăng tính linh động cũng như mở rộng phạm vi hoạt động cho khớp.

§  Kích thích xung điện - Phương pháp này đã được sử dụng ở nhiều trung tâm sức khỏe nhằm kích thích sự phát triển của xương. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, kĩ thuật Kích thích Xung điện này đặc biệt hữu ích khi được sử dụng ở khu vực trước đầu xương đùi.

 

Một Số Phương Pháp Điều Trị Thông Qua Phẫu Thuật

Nhiều kĩ thuật phẫu thuật khác nhau được sử dụng để điều trị tình trạng hoại tử xương. Đối với phần lớn các trường hợp mắc bệnh, dù được chữa trị ban đầu bằng phương pháp nào đi chăng nữa, cuối cùng vẫn nên tiến hành phẫu thuật nếu muốn đạt được hiệu quả tối ưu.

Giải nén lõi - Phương pháp phẫu thuật này có vai trò loại bỏ các trụ bên trong xương, làm áp lực đè nén trong xương giảm đi đáng kể, từ đó giúp tăng lưu lượng máu đến nuôi xương cũng như cho phép nhiều mạch máu mới được hình thành. Kĩ thuật này thường đạt hiệu quả cao nhất ở những trường hợp phát hiện bệnh sớm, thường là trước khi hiện tượng sụp đổ các khớp bắt đầu xảy ra. Giải nén lõi đôi khi còn giúp giảm đau và làm chậm đi phần nào quá trình phát triển hoại tử trong xương khớp.

Thủ thuật đục mở xương -  Phương pháp điều trị này liên quan đến việc định hình lại xương nhằm giảm sức căng trên khu vực bị ảnh hưởng. Quá trình phục hồi có thể tương đối dài, thường dao động trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, ngoài ra cử động bệnh nhân sẽ rất hạn chế trong khoảng thời gian này. Kĩ thuật đục mở xương có hiệu quả nhất đối với các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh, cũng như những bệnh nhân có vùng tổn thương không quá lớn và trầm trọng.

Ghép xương - Tiến hành cấy ghép xương khỏe mạnh từ những vùng cơ thể không bị tổn thương. Phương pháp này thường được sử dụng với mục đích hỗ trợ tăng cường cho khớp sau khi đã được điều trị thông qua kĩ thuật giải nén lõi. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cấy ghép cả các mạch máu - gồm động mạch và tĩnh mạch - nhằm tăng cường lượng máu cung cấp đến nuôi dưỡng cho vùng bị tổn thương. Phục hồi sau phẫu thuật có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Chỉnh hình khớp / Thay khớp toàn phần - Phương pháp này thường chỉ được tiến hành khi điều trị hoại tử xương ở giai đoạn muộn của bệnh hay khi khớp đã bị phá hủy hoàn toàn. Kĩ thuật chỉnh hình khớp sẽ thay thế những phần xương khớp đã bị hoại tử bằng các bộ phận nhân tạo. Thay khớp hoặc tái tạo bề mặt đầu xương đùi thường được chỉ định cho những bệnh nhân đã áp dụng các phương pháp khác trong điều trị trước đó nhưng không thực sự hiệu quả. Có nhiều hình thức thay khớp khác nhau, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn nếu muốn biết thêm thông tin chi tiết.

Đối với hầu hết trường hợp bệnh nhân mắc phải tình trạng hoại tử xương, điều trị là quy trình nên được thực hiện thường xuyên và liên tục. Tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau của bệnh, trước tiên bác sĩ có thể đề nghị tiến hành những thủ thuật ít phức tạp hoặc không cần phải phẫu thuật can thiệp như sử dụng thuốc, giảm trọng lượng lên xương... Khi những phương pháp này không thực sự hiệu quả, một số kĩ thuật phẫu thuật sẽ được chỉ định bổ sung sau đó. Điều quan trọng là bệnh nhân cần thực hiện nghiêm túc cũng như tuân thủ nghiêm ngặt những lời khuyên từ bác sĩ về giới hạn cử động của khớp trong công việc hằng ngày, ngoài ra hãy hợp tác chặt chẽ với bác sĩ điều trị nếu muốn đảm bảo rằng các phương pháp đang được áp dụng sẽ thực sự phát huy hiệu quả của chúng.

 

(1) Cảnh báo: Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) bao gồm các vấn đề về dạ dày; viêm da; huyết áp cao; giữ nước; cùng một số vấn đề về gan, thận và tim. Bệnh nhân càng sử dụng NSAID trong khoảng thời gian dài, họ càng có nhiều khả năng mắc phải những tác dụng phụ này, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhiều loại thuốc khác không thể được sử dụng kèm theo trong khi bệnh nhân đang được điều trị bằng NSAID, bởi NSAID làm thay đổi cách cơ thể tiêu thụ cũng như đào thải các loại thuốc này. Trao đổi với bác sĩ của bạn trước khi sử dụng NSAID. Khuyến cáo nên sử dùng NSAID ở liều thấp nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.

(2) Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Một số loại thuốc cùng tác dụng phụ của chúng được đề cập trong ấn phẩm này. Mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy theo từng loại tác dụng phụ khác nhau. Bạn nên đọc kĩ những tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc, và hãy liên hệ bác sĩ của bạn nếu bạn có thêm bất kì câu hỏi nào khác về một số tác dụng phụ ngoài ý muốn có thể xảy ra.

Tin và bài liên quan

Hoại tử xương: những điều cần biết
Hoại tử xương: những điều cần biết

07/11/2018

Bài viết tổng hợp những thông tin khái quát nhất về Hoại tử Xương (Hoại tử Vô mạch). Đây là tình trạng bệnh gì? Những nhóm người có khả năng mắc bệnh cao? Bệnh được chẩn đoán như thế nào?... Bên cạnh đó, bài viết cũng mô tả sơ bộ về một số triệu chứng của bệnh

Xem thêm