Chúng tôi hân hạnh giới thiệu trang web Sức Khỏe Xương đến các bạn. Đây là một trạm thông tin về bệnh loãng xương và các bệnh liên quan. Thông tin dành cho 3 nhóm độc giả: công chúng, bác sĩ, và nhà nghiên cứu. Mục tiêu của trang web là cung cấp cho các bạn những thông tin chính thống và có cơ sở khoa học để giúp cộng đồng có những chứng cứ phục vụ cho việc phòng ngừa bệnh loãng xương.
Loãng xương là một bệnh phổ biến. Khoảng 30% nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương. Bệnh nhân loãng xương có nguy cơ gãy xương rất cao. Cứ 10 phụ nữ sống đến tuổi 80 thì sẽ có khoảng 5 người bị gãy xương. Nhiều người không nhận ra rằng nguy cơ gãy cổ xương đùi ở nữ giới tương đương với nguy cơ ung thư vú. Ở nam giới, cứ 10 người sống đến tuổi 80 thì 3 người sẽ bị gãy xương. Ở Việt Nam, theo ước tính của chúng tôi, mỗi năm có hơn 100.000 người bị gãy xương. Với sự lão hóa trong dân số gia tăng nhanh, số người bị gãy xương sẽ tăng nhanh theo thời gian và trở thành một gánh nặng cho xã hội và hệ thống y tế.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, loãng xương trong thực tế là một bệnh nghiêm trọng. Gãy xương làm giảm tuổi thọ và bệnh nhân tử vong sớm. Khoảng 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi chết sau 12 tháng. Nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn nữ giới. Ngay cả gãy xương cột sống và xương tay cũng là một yếu tố liên quan đến tăng nguy cơ tử vong. Những bệnh nhân sống sau một lần gãy xương có nguy cơ gãy xương lần thứ hai và thứ ba rất cao. Hậu quả của gãy xương là một vấn đề làm cho loãng xương trở nên một trong mối quan tâm hàng đầu trong các nước phát triển.
Loãng xương là một "bệnh âm thầm", hiểu theo nghĩa người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh. Thật vậy, đa số những bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường cho đến khi va chạm nhỏ như một cái hắt hơi thì bị gãy xương. Cũng có khi đang đi và vấp ngã thì bị gãy xương. Đó là những trường hợp loãng xương. Do đó, một trong những thách thức của y khoa là nhận dạng những cá nhân có nguy cơ gãy xương cao. Trang web này giúp cho các bạn ước tính nguy cơ gãy xương của mình và qua đó có thể có những biện pháp giảm nguy cơ gãy xương.
Các bạn sẽ tìm thấy trong trang web rất nhiều thông tin liên quan đến yếu tố nguy cơ và nguyên nhân loãng xương. Biết được những thông tin này giúp các bạn có những biện pháp phòng ngừa bệnh tốt hơn. Do đó, chúng tôi cố gắng cập nhật hóa thông tin để các bạn có thể cùng chúng tôi giảm gánh nặng loãng xương và gãy xương trong cộng đồng.
Các bác sĩ cũng sẽ tìm thấy nhiều thông tin hữu ích từ trang web. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy suốt 6 năm học trong trường y, các bác sĩ chỉ có khoảng 4-6 giờ học về xương và loãng xương. Với một thời lượng như thế, rất khó có thể nắm hết những vấn đề về sinh học, cơ chế bệnh sinh, yếu tố nguy cơ loãng xương. Do đó, trang web này sẽ cập nhật hóa những thông tin khoa học dành cho bác sĩ, giúp các bạn phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.
Trang web này còn là một nguồn tham khảo cho nhà nghiên cứu khoa học. Loãng xương là một bệnh rất ít được nghiên cứu ở Việt Nam, hay có nghiên cứu nhưng những kết quả rất khó áp dụng. Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu qui mô về loãng xương trong cộng đồng. Chúng tôi muốn chia sẻ những thông tin về nghiên cứu khoa học, và qua đó mong muốn các bạn sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tốt hơn. Trang web này sẽ cập nhật những nghiên cứu của các đồng nghiệp trên thế giới và của chính chúng tôi để các bạn đồng nghiệp có thể sử dụng.
Trang web là một sáng kiến của Labo Nghiên Cứu Cơ Xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng và Hội Loãng Xương TP HCM. Chúng tôi chân thành cám DKSH Vietnam đã giúp đỡ thực hiện trang web. Chúng tôi cũng cám ơn các bác sĩ thành viên trong Labo Nghiên Cứu Cơ Xương đã giúp đỡ trong việc chuyển ngữ một số tài liệu về loãng xương và bệnh xương khớp. Chúng tôi cũng cám ơn các bạn đã ghé qua trang web và hi vọng các bạn sẽ tìm thấy nhiều thông tin có ích.
Mong muốn của chúng tôi là góp phần xây dựng bộ xương vững chãi cho người Việt để đến một ngày không còn gãy xương vì loãng xương. Ước nguyện của chúng tôi là đóng góp một phần vào công cuộc phòng chống bệnh tật, mà đặc biệt là loãng xương. Chúng tôi mong muốn các bạn sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong nỗ lực vì cộng đồng này.
Xin trân trọng cám ơn các bạn.