Hỏi đáp về thoái hóa cột sống
17/09/2018
Các nhà khoa học trong Nhóm nghiên cứu cơ xương (VOS) của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã công bố một công trình nghiên cứu mà theo đó cho thấy 6 trong số 10 người ≥ 40 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh có thoái hóa cột sống; và dựa vào cơ cấu dân số hiện nay, ước tính có khoảng 16 triệu người Việt Nam bị bệnh
Vì sao Nhóm nghiên cứu cơ xương Trường Đại học Tôn Đức Thắng nghiên cứu về “thoái hóa cột sống”?
Trước đây (và cho đến nay) chúng tôi vẫn quan tâm đến bệnh loãng xương nên dành thì giờ và công sức nghiên cứu về bệnh này. Nhưng sau này, qua kinh nghiệm thực tế chúng tôi thấy bệnh loãng xương và thoái hoá cột sống thường đi đôi nhau nhưng nghịch với nhau, nên chúng tôi quyết định tìm hiểu. May mắn lúc đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng mời tôi thành lập Lab nghiên cứu về cơ và xương, nên chúng tôi nhân dịp đó mà thực hiện công trình nghiên cứu này. Mục tiêu của chúng tôi là đánh giá gánh nặng bệnh thoái hoá khớp và tìm hiểu yếu tố liên quan đến bệnh, và qua đó giúp cho các giới chức y tế có dữ liệu cơ bản về bệnh trong dân số và cũng giúp bác sĩ lâm sàng nhận dạng bệnh nhân tốt hơn.
Chúng tôi chọn ngẫu nhiên khoảng 650 nam và nữ trên 40 tuổi ở TPHCM, rồi sau đó xin phép các tình nguyện viên chụp X quang. Chúng tôi phải tiêu ra rất nhiều thời gian để đọc X quang và phải đánh giá 20 đốt sống trên mỗi cá nhân. Có khi chúng tôi phải sử dụng đến 2 bác sĩ cùng đọc cùng một loạt phim để chắc ăn và chính xác. Ở mỗi đốt sống, chúng tôi xem xét xem các khớp xương có bị hẹp lại và có dấu hiệu gai xương hay không. Sau đó, chúng tôi dùng hệ thống Kellgren-Lawrence để đánh giá thoái hoá khớp cho mỗi đốt sống. Kết quả phân tích cho thấy 60% các đối tượng thoái hoá cột sống.
Khác biệt về tỉ lệ thoái hóa cột sống giữa nam và nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?
Kết quả nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ nam bị thoái hóa cột sống nhiều hơn nữ, 62% ở nam so với 55% ở nữ. Điều này có thể xuất phát từ đặc điểm nghề nghiệp và hoạt động thể chất của nam. Tuy nhiên tỉ lệ 55% ở nữ bị thoái hóa cột sống vẫn là cao, cho thấy phụ nữ cần được quan tâm nhiều hơn trong công việc hàng ngày để có thể phòng ngừa, giảm thiểu tối đa khả năng mắc bệnh.
Thoái hóa đốt sống ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến cuộc sống?
Thoái hóa cột sống chủ yếu là do tổn thương phá hủy các cấu trúc của thân sống, đĩa đệm dẫn đến biến dạng đốt sống, hẹp ống sống, gây kích thích các nhánh thần kinh ở vùng dây chằng sau cột sống hoặc chèn ép tủy sống, chèn ép rễ thần kinh. Do đó, triệu chứng lâm sàng quan trọng và thường găp của thoái hóa cột sống là đau lưng cấp hoặc mãn tính, và đây chính là nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần ở bệnh nhân thoái hóa cột sống.
Hệ quả khác của bệnh là giảm đến mất chức năng vận động, dẫn đến mất ngày công lao động làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Ở Mỹ người ta ước tính rằng chi phí điều trị bệnh thoái hoá khớp lên đến hơn 40 tỉ USD mỗi năm. Ở Mỹ, chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân là 5700 USD. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có nghiên cứu nên chưa biết chi phí là bao nhiêu, nhưng bệnh nhân thường được điều trị lâu dài, và rất tốn kém.
Nguyên nhân của thoái hóa cột sống?
Cho tới hiện nay, nguyên nhân của thoái hóa khớp vẫn chưa rõ, các nghiên cứu chỉ xác định được một số các yếu tố nguy cơ thúc đẩy tiến trình của bệnh. Tuy đau là triệu chứng nổi bật, nhưng nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu cơ xương Trường Đại học Tôn Đức Thắng tìm thấy đau lưng hoặc cổ không phải là tín hiệu tốt để nhận dạng bệnh nhân thoái hóa cột sống. Nghiên cứu của chúng tôi thấy những thông tin như cao tuổi, quá cân là những yếu tố nguy cơ thoái hóa cột sống. Điều này phù hợp với y văn cho thấy các yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh là độ tuổi, cân nặng, tư thế sinh hoạt xấu.
Làm thế nào để phòng ngừa thoái hóa cột sống hiệu quả?
Phòng ngừa bệnh thoái hoá cột sống có thể tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ bao gồm điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng, tránh dư cân béo phì; cần vận động nhẹ nhàng, đúng tư thế, tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hàng ngày làm sai lệch trục cột sống (khom lưng, ngồi gù lưng, ngồi quá lâu, mang vác nặng, nằm võng, ngồi xổm hay đi giày dép cao gót); cố gắng tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động; tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng; phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại cột sống; bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối. Đặc biệt bổ xung calci, vitamin D và vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày của người có tuổi.
Cần cảnh báo gì về chính sách liên quan đến nhóm bệnh xương khớp tại Việt Nam?
Đi từ kết quả nghiên cứu cho thấy 6 trong số 10 người ≥ 40 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh có thoái hóa cột sống, và dựa vào cơ cấu dân số hiện nay, chúng tôi ước tính có khoảng 16 triệu người Việt Nam bị bệnh. Đó là một con số rất lớn. Và, cũng chưa kể đến các bệnh liên quan đến xương khác như loãng xương. Chúng tôi muốn nói rằng không nên đánh giá thấp qui mô bệnh liên quan đến cơ xương khớp trong dân số, vì đây là những bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động của một quốc gia. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về chi phí điều trị bệnh thoái hoá khớp, nhưng ở Mỹ người ta ước tính chi phí này là trên 40 tỉ USD mỗi năm.
Việt Nam chúng ta đang hay sắp trở thành một nước có thu nhập trung bình, và kinh nghiệm của các nước như thế trong quá khứ cho thấy chúng ta sẽ đối phó với một vấn đề y tế lớn: đó là các bệnh không lây nhiễm. Thoái hoá khớp và loãng xương là những bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, và thậm chí tăng nguy cơ tử vong. Các bệnh này tăng theo độ tuổi, nhất là ở người cao tuổi. Do đó, trong chiều hướng dân số càng lão hoá thì gánh nặng y tế của các bệnh này sẽ rất lớn trong tương lai gần. Rút kinh nghiệm từ các nước khác, chúng tôi cho rằng Nhà nước cần có một chương trình hành động cấp quốc gia vì các bệnh cơ xương khớp để cộng đồng quan tâm hơn và có những biện pháp phòng bệnh cụ thể hơn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như chúng ta cần phải xem lại những thói quen lâu đời nhưng không lành mạnh cho xương như vác lúa trên vai, cách ngồi xổm, cách cuối lưng, cách cấy lúa, v.v. Những thói quen này trong lúc còn trẻ thì chẳng gây tác động gì đáng kể (nên chẳng ai quan tâm), nhưng theo năm tháng chúng sẽ để lại di chứng lớn khi về già và là nguy cơ gây bệnh thoái hoá khớp xương.