HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ XIII
21/04/2019
Trong ngày 11/8/2018 vừa qua, Hội Loãng Xương Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị khoa học thường niên với chủ đề “Loãng Xương – Những Vấn Đề Cơ Bản, Các Xu Hướng Khoa Học Mới Và Các Bệnh Liên Quan” tại khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trong ngày 11/8/2018 vừa qua, Hội Loãng Xương Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị khoa học thường niên với chủ đề “Loãng Xương – Những Vấn Đề Cơ Bản, Các Xu Hướng Khoa Học Mới Và Các Bệnh Liên Quan” tại khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nội dung hội nghị lần này nhấn mạnh đến lý do tại sao bệnh nhân gãy xương thường dễ tử vong hơn người bình thường, khủng hoảng trong việc điều trị cũng như những khó khăn trong chi phí điều trị hiện tại. Với sự tham gia của hơn 400 thành viên từ khắp cả nước, 22 bài báo cáo từ các chuyên gia, trong đó có 5 báo cáo từ nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study – VOS, hội nghị đã cập nhật gần như đầy đủ các kiến thức mới nhất về bệnh loãng xương, mối liên hệ với các bệnh lý khác và các phương pháp điều trị phối hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
GS. Nguyễn Tấn Bỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị trải qua 4 phiên báo cáo và thảo luận chính. Phiên mở đầu với chủ đề “Loãng Xương, Các Xu Hướng Khoa Học Mới Và Các Vấn Đề Liên Quan” do GS. Trần Ngọc Ân, GS. Nguyễn Văn Tuấn, PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Thủy và TS.BS. Phạm Việt Thanh điều khiển đã nêu lên các vấn đề bất cập trong điều trị và quản lý bệnh loãng xương tại Việt Nam. Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, để tìm ra giải phải khắc phục “khủng hoảng” trong điều trị và giảm các tác động tiêu cực của bệnh loãng xương đến cộng đồng, Hội loãng xương tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội nên thực hiện một cuộc điều tra mang tầm quốc gia về tình hình điều trị loãng xương cả nước và lập kế hoạch tham gia vào liên minh Châu Á Thái Bình Dương và Liên hiệp hội loãng xương Á châu để qua đó có được sự hỗ trợ đắc lực từ bạn bè quốc tế.
GS. Trần Ngọc Ân nói về lịch sử của Hội loãng xương tp.HCM và chuyên ngành.
Kết thúc phiên báo cáo đầu tiên, các thành viên quay trở lại hội trường sau giờ giải lao và tiếp tục phiên thứ 2 với chủ đề “Loãng Xương Trong Các Bệnh Lý Nội Tiết - Chuyển Hóa, Thận Và Đau” dưới sự điều khiển của GS. Nguyễn Hải Thủy, GS. Võ Tam, PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào và PGS.TS.BS. Vũ Đình Hùng. Nội dung các bài báo cáo xoay quanh mối quan hệ giữa bệnh loãng xương với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), bệnh thận mạn và việc kiểm soát đau cấp, mãn tính ở bệnh nhân loãng xương. Mật độ khoáng xương giảm ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 nhưng lại tăng lên ở ĐTĐ týp 2. Chứng xương dễ gãy trong ĐTĐ týp 2 phụ thuộc vào sự suy giảm chất lượng xương. Việc kiểm soát tốt đường huyết nên là vấn đề chính trong phòng ngừa và điều trị chứng loãng xương do ĐTĐ. Đối với bệnh nhân có bệnh thận mạn, GS. Võ Tam lưu ý đến mục tiêu điều trị nhằm hạ phosphate huyết thanh cao, duy trì canxi huyết và sự khác nhau trong điều trị tương ứng với các giai đoạn của bệnh. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát đau trong loãng xương đòi hỏi có sự linh hoạt trong việc phối hợp các loại thuốc và các phương pháp điều trị không dùng thuốc nhằm mang lại chất lượng sống tốt nhất cho bệnh nhân.
Các kết quả nghiên cứu khoa học cũng được trình bày trong phiên báo cáo thứ 2. Trong đó, có 1 nghiên cứu về mối liên quan giữa mật độ xương và hội chứng chuyển hóa từ bệnh viện Trưng Vương do BS CKII. Hồ Thị Đoan Trinh trình bày và 1 bài nghiên cứu về ảnh hưởng của đái tháo đường lên vi cấu trúc xương ở người Việt từ nhóm nghiên cứu VOS.
GS. Nguyễn Văn Tuấn, nhóm nghiên cứu VOS, với bài trình bày về liên minh phòng chống gãy xương và tăng cường điều trị loãng xương ở châu Á.
ThS.BS. Đoàn Công Minh, nhóm nghiên cứu VOS, ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu cấu trúc xương của người Việt Nam.
ThS. BS. Nguyễn Dạ Thảo Uyên, nhóm nghiên cứu VOS, ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo kết quả nghiên cứu “Ảnh hưởng của đái tháo đường lên vi cấu trúc xương của người Việt”.
Sau thời gian đặt câu hỏi, tranh luận và giải đáp thắc mắc, các thành viên của hội được dùng bữa trưa tại nhà hàng Orchild và bắt đầu phiên báo cáo tiếp theo vào lúc 14 giờ dưới sự điều khiển của PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng, PGS.TS.BS. Nguyễn Đình Khoa và BS. Thái Thị Hồng Ánh. Nội dung phiên thứ 3 tập trung phân tích lợi và hại của thuốc ức chế bơm proton khi sử dụng kéo dài, cách tiếp cận chẩn đoán, điều trị toàn diện loãng xương ở nam giới và những lưu ý trong việc bổ sung canxi hằng ngày.
PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, với bài trình bày về lợi ích và tác hại khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton lâu dài
ThS.BS. Huỳnh Văn Khoa, bệnh viện Chợ Rẫy, trình bày những lưu ý trong việc bổ sung canxi hằng ngày để bảo vệ xương và các cơ quan khác.
BS CKII. Đỗ Thị Kim Yến, bệnh viện Thống Nhất, báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu về đặc điểm bệnh nhân nam loãng xương điều trị nội trú tại bệnh viện Thống Nhất.
TS.BS. Võ Thành Toàn, bệnh viện Thống Nhất với bài nghiên cứu về mối liên quan giữa loãng xương với gãy liên mấu chuyển xương đùi ở phụ nữ sau mãn kinh tại bệnh viện Thống Nhất.
Đóng góp cho nội dung hội nghị, BS CKII. Phạm Kim Xoàn có bài báo cáo về nghiên cứu tình trạng, các yếu tố liên quan và đánh giá kết quả điều trị loãng xương bằng alendronate phối hợp canxi và vitamin D3 ở phụ nữ 40 tuổi trở lên điều trị tại bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang. Bên cạnh đó, việc phân tích hiệu quả kinh tế điều trị loãng xương ở Việt Nam cũng được báo cáo và tranh luận nhằm có những giải pháp tốt nhất đạt ngưỡng chi trả theo khuyến cáo của WHO.
ThS.DS. Phạm Nữ Hạnh Vân, trường ĐH Dược Hà Nội với nghiên cứu “Loãng xương ở Việt Nam: phân tích kinh tế và hiệu quả kinh tế điều trị”.
Phiên báo cáo cuối cùng tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 60 phút nhưng đã nêu bật lên lý do vì sao bệnh nhân loãng xương có nguy cơ tử vong cao. Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa gãy xương và tử vong có ý nghĩa lâm sàng, nguy cơ tử vong sau khi được điều trị sau gãy cổ xương đùi sẽ giảm khoảng 30%. Khi một bệnh nhân bị gãy xương, ngoài các bệnh lý nền đang mắc phải thì sự gia tăng các marker chu chuyển xương và suy giảm mật độ xương cũng làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
GS. Nguyễn Văn Tuấn, nhóm nghiên cứu VOS, ĐH Tôn Đức Thắng giải thích những lý do vì sao bệnh nhân loãng xương có nguy cơ tử vong cao.
Đến với hội nghị, BS CKII. Hồ Phạm Thục Lan, đại diện nhóm nghiên cứu VOS đã giới thiệu trang web www.suckhoexuong.vn đến với tất cả thành viên tham gia. Đây là kênh thông tin truyền thông dành cho người dân, bác sĩ và nghiên cứu sinh muốn tìm hiểu về sức khỏe xương. Trang web được thành lập dưa trên sự phối hợp giữa nhóm nghiên cứu VOS và Hội loãng xương tp.HCM.
BS CKII. Hồ Phạm Thục Lan, nhóm nghiên cứu VOS, ĐH Tôn Đức Thắng giới thiệu trang web www.suckhoexuong.vn do nhóm VOS và Hội loãng xương tp.HCM phối hợp thành lập.
Tham gia cùng hội nghị, các bác sĩ ngoại khoa đã báo cáo về các kết quả nghiên cứu khoa học về việc tiên lượng gù lưng do gãy lún đốt sống ở người loãng xương, mối liên quan giữa gãy liên mấu chuyển xương đùi và loãng xương cũng như vấn đề điều trị loãng xương cho bệnh nhân sau khi can thiệp. Để có kết quả điều trị tốt nhất vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ nội, ngoại khoa và nâng cao khả năng kiểm soát sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Ban tổ chức và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Từ trái qua phải là ThS.BS. Huỳnh Văn Khoa , TS.BS. Nguyễn Văn Hùng, GS. Võ Tam, GS. Nguyễn Hải Thủy, GS. Nguyễn Văn Tuấn, PGS.TS. Lê Anh Thư, PGS.TS. Trương Văn Việt, GS. Trần Ngọc Ân, BS CKII. Huỳnh Phan Phúc Linh, BS CKII. Hồ Phạm Thục Lan, PGS.TS. Vũ Thị Thanh Thủy, PGS.TS. Vũ Đình Hùng, TS.BS. Phạm Việt Thanh, GS. Nguyễn Tấn Bỉnh, PGS.TS. Nguyễn Đình Khoa, PGS. TS. Đỗ Phước Hùng.
Trải qua gần 12 giờ báo cáo và tranh luận, hội nghị về cơ bản đã diễn ra thành công tốt đẹp, các thành viên tham gia đã học được rất nhiều kiến thức cập nhật mới và thấy được định hướng tương lai trong việc điều trị loãng xương tại Việt Nam. Rất cám ơn sự đồng hành, tài trợ từ các đơn vị dành cho hội nghị. Sự tham gia, hỗ trợ quý báo từ các Quý công ty đã góp phần làm nên thành công của Hội Loãng xương tp.HCM!
Người viết bài: BS. Dương Hải