Đau lưng: chẩn đoán và điều trị

17/09/2018

Chẩn đoán nguyên nhân đau lưng  trước tiên cần hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ đề nghị thêm các cận lâm sàng phù hợp. Việc điều trị tùy thuộc vào loại đau lưng cấp hay mãn

CHẨN ĐOÁN ĐAU LƯNG NHƯ THẾ NÀO?

Chẩn đoán nguyên nhân đau lưng  trước tiên cần hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ đề nghị thêm các cận lâm sàng khác như  X-quang.

Để biết được bệnh sử, bác sĩ sẽ hỏi về đặc điểm cơn đau, tiền sử bệnh bản thân bạn trước đó, tiền sử gia đình có người có triệu chứng giống bạn.

Thường các bác sĩ sẽ tìm được nguyên nhân sau khi hỏi bệnh sử và khám lâm sàng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bệnh sử và lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân.

Các xét nghiệm có thể là:

-         X- quang: xét nghiệm này dùng một lượng phóng xạ thấp để chụp lại hình ảnh hệ xương hoặc xương cần chụp.

-         Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng từ trường để ghi lại hình ảnh thay vì tia xạ. Không giống như tia X chỉ cho hình ảnh cấu trúc xương, MRI còn dùng để đánh giá mô mềm như: dây chằng, gân, mạch máu.

-         Chụp vi tính cắt lớp (CT): CT cho phép bác sĩ thấy được cấu trúc của cột sống mà X- quang không có được. Máy tính sẽ dựng lại hình ảnh 3D từ những tấm hình 2D đã chụp.

-         Xét nghiệm máu: Mặc dù xét nghiệm máu không giúp ích nhiều cho chẩn đoán, nhưng có thể dùng nó cho các chẩn đoán phân biệt khác.

Với bệnh sử và khám  lâm sàng, có thể cần tới các xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân. Nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác vẫn không thể xác định được. Trong vài trường hợp, đau lưng lại tự cải thiện dù vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra nó.

 

ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA ĐAU CẤP TÍNH VÀ ĐAU MÃN TÍNH?

Những trường hợp đau lưng xảy ra đột ngột như: té từ trên cao, chấn thương khi chơi thể thao, nâng vác vật quá nặng,… gọi là đau cấp tính. Đau cấp tính xảy ra nhanh và thuyên giảm cũng khá nhanh. Để phân biêt, người ta định nghĩa đau cấp tính là đau không quá 6 tuần. Loại này xảy ra phổ biến hơn.

Mặt khác, đau mãn tính có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ nhưng kéo dài hơn. Đau kéo dài hơn 3 tháng được xem là đau mãn tính. Nó ít phổ biến hơn đau cấp tính.

ĐAU LƯNG ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Việc điều trị tùy thuộc vào loại cấp hay mãn.

·        Đau cấp tính:

Đau cấp tính thường tự cải thiện mà không cần điều trị, tuy nhiên bạn có thể giảm đau với acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen. Lời khuyên tốt nhất có lẽ là bạn hãy cố gắng sinh hoạt như bình thường càng nhiều có thể nhưng đừng để vấn đề đau trở nên nặng thêm. Thức dậy và đi lại mỗi sáng làm cơ thể săn chắc, giảm đau và giúp lưng bạn sớm hoạt động bình thường. Tập thể dục hoặc phẫu thuật không được khuyến khích đối với đau cấp tính.

·        Đau mãn tính:

Điều trị đau lưng mãn tính được chia làm 2 loại: phẫu thuật và không phẫu thuật. Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật không được khuyến khích. Bác sĩ sẽ luôn thử điều trị không phẫu thuật trước. Ở một số trường hợp đặc biệt, đau lưng gây ra bởi u bướu, nhiễm trùng, vấn đề về rễ dây thần kinh như hội chứng chùm đuôi ngựa,… điều trị phẫu thuật thì rất cần thiết để giảm đau và ngăn chặn bệnh tiến triển.

Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến:

-         Điều trị không phẫu thuật:

+ Nhiệt trị liệu: Sử dụng miếng dán nóng hoặc lạnh, đôi khi kết hợp cả 2 có thể làm dịu cơn đau lưng, cứng lưng. Nhiệt nóng làm giãn mạch máu, giúp cải thiện tuần hoàn máu đến lưng và giảm co cơ. Nhiệt cũng làm giảm đi cảm giác đau. Lạnh làm giảm phản ứng viêm bằng cách làm co mạch, giảm lượng máu tới. Mặc dù lạnh làm kích ứng da, gây khó chịu nhưng nó làm giảm đau rất hiệu quả. Ứng dụng nhiệt trị liệu để giảm đau nhưng nó không chữa trị được nguyên nhân.

+ Tập thể dục: Mặc dù tập thể dục không được khuyến khích ở những người đau lưng cấp tính, nhưng nó rất phù hợp để cải thiện tình trạng đau mãn tính cũng như giảm nguy cơ tái phát. Bốn bài tập dưới đây rất tốt cho việc giữ cho thân hình cân đối và điều trị đau. ( Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn bắt đầu liệu trình tập.)

Ø Gập: Việc gập người về phía trước có tác dụng.

(1) Giãn rộng khoảng cách giữa các đốt sống để giảm chèn ép dây thần kinh

(2) Căng giãn cơ vùng lưng và hông

(3) Săn chắc cơ vùng bụng và mông. Nhiều giả thuyết cho rằng cơ bụng săn chắc sẽ làm giảm áp lực lên cột sống.

Ø Duỗi: Với động tác gập người về phía sau, có thể giúp cho đau lưng không lan rộng. Bạn có thể thực hiện bằng cách nằm sấp ,nâng chân và nhấc thân người lên. Theo lý thuyết, bài tập này giúp mở rộng ống sống và làm khỏe các cơ nâng đỡ cột sống.

Ø Kéo căng: Bài tập này giúp kéo căng và làm giãn các cơ và mô mềm quanh lưng. Điều này làm giảm cứng lưng và cải thiện tầm vận động.

Ø Thể dục nhịp điệu: Bài tập giúp tim bơm máu nhanh hơn và duy trì điều này trong một thời gian. Bạn nên dành ít nhất 30 phút để luyện tâp và nên thực hiện khoảng 3 lần/tuần. Thể dục nhịp điệu làm săn chắc các cơ lớn của cơ thể; hoặc đi bộ, chạy bộ, bơi lội cũng làm được điều như thế. Nếu bị đau lưng, bạn nên tránh bài tập vặn xoắn hoặc uốn cong mạnh như khiêu vũ, chèo thuyền, vì chúng sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm đốt sống và mang lại nhiều tác hại hơn lợi ích. Bên cạnh đó, bạn nên tránh các hoạt động cường độ cao nếu đang bị đau lưng.

+ Thuốc: Rất nhiều loại thuốc được dùng để điều trị đau lưng. Một vài thuốc là thuốc uống không cần kê đơn. Một số khác thì cần bác sĩ kê đơn. Bên dưới là một số loại thuốc chính được sử dụng[1].

Ø Thuốc giảm đau: Là những thuốc được tạo ra để làm giảm cơn đau. Chúng bao gồm thuốc không theo toa acetaminophen và aspirin, cũng như thuốc theo toa narcotics. Aspirin và acetaminophen là thuốc giảm đau thường dùng nhất; narcotic chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn để giảm những cơn đau dữ dội hoặc đau sau khi phẫu thuật. Những người đau lưng hoặc khớp không thể giảm đau bởi những thuốc này, có thể tìm dùng thuốc giảm đau cục bộ. Kem, thuốc mỡ, sáp được xoa trực tiếp lên vùng da nơi bị đau. Chúng chứa một hoặc nhiều thành phần khác nhau để giảm cơn đau.

Ø NSAIDs: là thuốc kháng viêm không chứa steroid được dùng để giảm đau và viêm, cả hai có vai trò trong một số trường hợp đau lưng. Một loại thuốc thuộc NSAIDs, là thuốc ức chế COX-2 chỉ được bán theo toa[2]. Hãy tham khảo với bác sĩ của bạn để tìm được loại thuốc an toàn và hiệu quả nhất.

Ø Những thuốc khác: Thuốc dãn cơ và chống trầm cảm cũng được kê cho những bệnh nhân đau lưng mạn tính, nhưng lợi ích của chúng mang lại vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Nếu nguyên nhân của cơn đau là một dạng viêm của viêm khớp, những thuốc được dùng để điều trị dạng này có thể sẽ giảm đau hiệu quả.

+ Kéo dãn: Kéo dãn bằng cách sử dụng ròng rọc và tạ để kéo căng lưng. Nguyên lý của phương pháp này là kéo rời các đốt sống để cho đĩa đệm bị phồng trượt ra phía sau trở lại vị trí của nó. Một số người đã giảm đau trong quá trình kéo nhưng đó thường chỉ là tạm thời. Khi sự kéo dãn giảm xuống, sức căng không đủ và cơn đau lưng có thể trở lại. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy phương pháp kéo dãn cung cấp bất kì lợi ích lâu dài cho bệnh nhân đau lưng.

+ Thay đổi hành vi: phát triển một sức khỏe tinh thần và học cách di chuyển cơ thể của bạn đúng cách trong các hoạt động hằng ngày, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến nâng vật nặng, kéo hoặc đẩy, đôi khi là một phần của kế hoạch điều trị cho bệnh nhân đau lưng. Các thay đổi hành vi khác có thể giúp cải thiện cơn đau gồm chấp nhận các thói quen lành mạnh, như tập thể dục, thư giãn, ngủ đúng giờ cũng như loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc và ăn uống kém chất dinh dưỡng.

+ Điều trị bổ sung và thay thế: khi cơn đau lưng trở thành mạn tính hoặc khi thuốc và những liệu pháp thông thường không thể làm giảm cơn đau, nhiều người thử các phương thức điều trị bổ sung và thay thế. Mặc dù những phương thức này không chữa được bệnh hoặc phục hồi các tổn thương gây đau, một số người vẫn thấy chúng có ích trong việc kiềm chế hay làm giảm cơn đau.

-         Phẫu thuật

Phụ thuộc vào chẩn đoán, phẫu thuật có thể là lựa chọn điều trị đầu tiên- mặc dù điều đó khá hiếm- hoặc là điều trị thay thế cho đau lưng mãn tính khi các cách điều trị  khác thất bại. Nếu bạn bị đau lưng kéo dài hoặc thường tái đi tái lại và ảnh hưởng tới giấc ngủ, công việc hoặc các hoạt động hằng ngày của bạn, bạn có thể đề nghị phẫu thuật.

Một vài chẩn đoán có thể cần thực hiện phẫu thuật gồm:

+ Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm là tấm mô liên kết tròn lót giữa các đốt sống. Trong vấn đề gây đau tiềm tàng này, lớp ngoài rắn chắc của đĩa đệm bị phá hủy, làm cho phần nhân giống thạch ở trung tâm đĩa đệm bị rò ra ngoài, kích thích các dây thần kinh lân cận. Điều này gây ra đau thần kinh tọa nghiêm trọng và cơn đau lan xuống chân. Một đĩa đệm bị thoát vị còn được gọi là rách đĩa đệm.

+ Hep cột sống: Hẹp cột sống là tình trạng hẹp ống sống, nơi tủy sống và các dây thần kinh chạy trong đó. Nó thường bị gây ra do sự tăng trưởng quá nhanh của xương cột sống bởi viêm xương khớp. Sự chèn ép vào dây thần kinh gây ra bởi hẹp cột sống không chỉ dẫn đến  đau mà còn gây tê cho hai chân và mất kiểm soát bàng quang và ruột. Bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại và có thể bị đau dữ dội kèm theo tê và ngứa ở chân.

+Trượt đốt sống: Đây là tình trạng một đốt sống thắt lưng trượt ra khỏi vị trí của nó. Do cột sống phải cố gắng tự cân bằng, nên khớp giữa đốt sống bị trượt và các đốt sống kế cận có thể mở rộng ra và đè vào các dây thần kinh khi các dây này thoát khỏi cột sống. Trượt đốt sống không chỉ gây đau lưng mà còn gây đau thần kinh tọa nghiêm trọng.

+Nứt gãy đốt sống: Những vết nứt này bị gây ra bởi chấn thương đốt sống hoặc vỡ đốt sống do loãng xương. Nó thường gây ra đau lưng cơ học nhưng cũng có thể chèn ép các dây thần kinh gây đau chân.

+Đau thắt lưng thấp có nguồn gốc từ đĩa đệm ( bệnh thoái hóa đĩa đệm): Hầu hết đĩa đệm của con người thoái hóa theo thời gian, nhưng ở một số người, quá trình lão hóa này có thể trở thành đau mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số loại phẫu thuật lưng thường được thực hiện nhất:

Cho thoát vị đĩa đệm:

+ Cắt bỏ bản sống/ cắt bỏ đĩa đệm: Ở loại phẫu thuật này, một phần của bản sống- cấu trúc xương nằm phía sau các đốt sống được cắt bỏ cùng với một phần dây chằng. Đĩa đệm thoát vị sau đó được loại bỏ qua chỗ rạch rộng khoảng từ 2 đến vài inch.

+Tiểu phẫu cắt bỏ đĩa đệm: Với phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm truyền thống, thủ thuật này liên quan tới việc đĩa đệm bị thoát vị hoặc phần đĩa đệm bị phá hủy được loại bỏ qua vết rạch trên lưng. Sự khác biệt ở đây là vết rạch nhỏ hơn nhiều và bác sĩ phẫu thuật sử dụng một máy nội soi khuếch đại hoặc những thấu kính để định vị đĩa đệm thông qua vết rạch đó. Vết rạch nhỏ hơn có thể làm giảm đau và tổn thương mô, cũng như giảm kích thước của vết sẹo sau mổ.

+Phẫu thuật laser: Những tiến bộ công nghệ trong những thập kỉ gần đây đã đưa đến việc sử dụng laser trong phẫu thuật bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm kèm đau vùng thắt lưng thấp và đau chân. Trong thủ thuật này, phẫu thuật viên sẽ đưa một chiếc kim vào trong đĩa đệm, chiếc kim này có thể bắn những đợt năng lượng laser để làm bốc hơi các mô trong đĩa đệm. Nó làm giảm kích thước đĩa đệm và do đó giảm được sự chèn ép lên các dây thần kinh. Mặc dù nhiều bệnh nhân trở lại hoạt động hằng ngày trong vòng 3 đến 5 ngày sau phẫu thuật, nhưng sự giảm đau có thể không rõ ràng cho đến vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau. Ưu điểm của thủ thuật này vẫn còn đang tranh cãi.

Cho hẹp cột sống:

+ Cắt bản sống: Khi hẹp cột sống hẹp chèn vào các dây thần kinh gây đau hoặc ảnh hưởng đến cảm giác, các bác sĩ có thể phẫu thuật mở cột sống với thủ thuật cắt bản sống. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn xuống vùng cột sống bị ảnh hưởng và loại bỏ các bản sống và các gai xương quá phát triển trong ống sống gây viêm xương khớp. Đây là phẫu thuật quan trọng yêu cầu thời gian ở lại bệnh viện và vật lý trị liệu ngắn để giúp phục hồi lại sức mạnh và sự linh động.

Cho trượt đốt sống:

+Nối cột sống: Khi một đốt sống bị trượt dẫn đến sự mở rộng của các diện khớp lân cận, phẫu thuật điều trị nói chung gồm phẫu thuật cắt bỏ bản sống ( đã nói ở trên) và nối cột sống. Trong nối cột sống, hai hay nhiều đốt sống tạo khớp với nhau bằng cách sử dụng những mảnh xương ghép, đinh vít và que để ngăn sự trượt của các đốt sống bị ảnh hưởng. Xương được sử dụng để ghép được lấy từ những vùng khác của cơ thể, thường là xương ở vùng hông và chậu. Một số trường 2 sử dụng xương được hiến từ người khác.

Mặc dù phẫu thuật nhìn chung là thành công, nhưng loại ghép xương nào cũng có mặt hạn chế của nó. Sử dụng xương tự thân có nghĩa là phải phẫu thuật hai chỗ trên cơ thể của bạn. Đối với xương từ người hiến tặng, có một rủi ro nhỏ của sự truyễn bệnh hoặc đào thải mô ghép, điều xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bạn chống lại mô của người hiến tạng. Trong những năm gần đây, một tiến bộ mới đã giới hạn những rủi ro cho những người phải trải qua nối cột sống: những protein được gọi là protein tạo hình xương đang được sử dụng để kích thích tạo xương, hạn chế nhu cầu ghép xương. Những protein được đặt ở vùng cột sống bị ảnh hưởng, thường trong phần collagen hoặc phần xốp.

Dù được thực hiện bằng cách nào, vùng nối cũng phải được cố định.

Cho nứt cột sống do loãng xương:

+ Tạo hình cột sống: Khi đau lưng bị gây ra bởi một chấn thương hay loãng xương ở cột sống, bác sĩ có thể mở một đường rạch trên da chỗ ảnh bị hưởng và tiêm một hỗn hợp tương tự xi măng được gọi là polymethylacryate vào đốt sống bị nứt vỡ để giảm đau và ổn định cột sống3 .Thủ thuật này nhìn chung được thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú và gây mê nhẹ.

+Tạo hình vùng gù: Giống với tạo hình cột sống, tạo hình vùng gù được sử dụng để giảm đau và ổn định cột sống sau những sự nứt vỡ gây ra bởi loãng xương. Tạo hình vùng gù là một quá trình gồm 2 bước. Bước 1, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị hình cầu để khôi phục chiều cao và hình dạng cột sống. Bước hai, họ sẽ tiêm polymethylacryate để sửa chữa đốt sống bị nứt. Thủ thuật này được làm khi gây mê, và trong một số trường hợp, nó được thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú.

Cho đau thắt lưng thấp có nguồn gốc đĩa đệm (bệnh thoái hóa đĩa đệm):

+ Phương pháp nhiệt điện nội đĩa (IDET): Một trong những phương pháp ít xâm lấn nhất cho đau thắt lưng thấp bằng cách đưa một dây nhiệt vào đĩa đệm qua một lỗ nhỏ trên lưng. Sau đó một dòng điện được dẫn truyền qua dây để kéo dài những sợi collagen giữ đĩa đệm với nhau. Thủ thuật này được thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú, thường có gây tê cục bộ. Hiệu quả của IDET chưa thực sự rõ.

+ Nối cột sống: Khi đĩa đệm thoái hóa gây đau, phẫu thuật viên sẽ cân nhắc để loại bỏ nó và nối chúng lại để làm giảm đau. Sự nối xương này có thể được thực hiện từ phía bụng, gọi là thủ thuật nối xương liên thân đốt sống bằng đường trước bụng hoặc đi từ phía lưng, gọi là đường vào lối sau. Sự nối xương cho đau thắt lưng thấp hay bất kì cuộc phẫu thuật cột sống nào cũng chỉ nên là phương án cuối cùng và bệnh nhân nên được thông báo đầy đủ về những rủi ro khi thực hiện.

+Thay thế đĩa đệm: Khi 1 đĩa đệm bị thoát vị, một lựa chọn khác cho việc cắt bỏ đĩa đệm đó là thay thế nó bằng một điã đệm nhân tạo. Thay thế đĩa đệm bị phá hủy bằng một đĩa nhân tạo sẽ khôi phục lại chiều cao, sự di chuyển giữa các đốt sống. Đĩa đệm nhân tạo có nhiều thiết kế.



[1] Hầu hết tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Một vài thuốc và tác dụng phụ được đề cập trong tài liệu này. Có thể có một vài tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nữa. Bạn nên xem lại trên bao bì của thuốc hoặc hỏi người bán thuốc / dược sĩ nếu bạn có bất cứ điều gì thắc mắc về tác dụng phụ.

 
[2] Cảnh báo: Tác dụng phụ của NSAIDs gồm các vấn đề liên quan dạ dày, gan, thận, tim, ban đỏ trên da, tăng huyết áp, ứ dịch. Sử dụng NSAIDs càng lâu, bệnh nhân càng có thể bị nhiều tác dụng phụ hơn, từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể không được dùng nhiều loại thuốc khác khi đang điều trị với NSAIDs  vì NSAIDs làm thay đổi cách cơ thể chúng ta sử dụng hay đào thải các thuốc đó. Thảo luận với người chăm sóc của bạn hay dược sĩ trước khi uống NSAIDs. NSAIDs chỉ nên được dùng với liều thấp nhất có thể trong thời gian ngắn nhất cần thiết.

 

Tin và bài liên quan

Mô-đun Giáo dục cho các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của APCO hiện có sẵn bằng 5 ngôn ngữ, cho phép cung cấp dịch vụ thực hành chăm sóc loãng xương tốt nhất trên toàn Châu Á Thái Bình Dương
Mô-đun Giáo dục cho các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của APCO hiện có sẵn bằng 5 ngôn ngữ, cho phép cung cấp dịch vụ thực hành chăm sóc loãng xương tốt nhất trên toàn Châu Á Thái Bình Dương

28/08/2022

Để ngăn chặn làn sóng gãy xương do loãng xương ở khu vực đa dạng về ngôn ngữ cũng như có tốc độ lão hóa nhanh nhất trên thế giới, và để thúc đẩy phương pháp chăm sóc bệnh loãng xương tốt nhất, Hiệp hội Loãng xương Châu Á Thái Bình Dương hôm nay đã công bố phát hành tài nguyên tương tác về giáo dục loãng xương mới- Mô-đun Giáo dục dành cho mọi người của Chuyên gia Chăm sóc Sức khỏe APCO - bằng năm ngôn ngữ phổ biến của khu vực

Ra mắt Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO & ngăn chặn cuộc “khủng hoảng” loãng xương hiện nay ở Châu Á Thái Bình Dương và cuộc phỏng vấn Chủ tịch APCO của kênh Tin tức Châu Á
Ra mắt Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO & ngăn chặn cuộc “khủng hoảng” loãng xương hiện nay ở Châu Á Thái Bình Dương và cuộc phỏng vấn Chủ tịch APCO của kênh Tin tức Châu Á

07/08/2022

Chủ tịch APCO kiêm Giám đốc Đơn vị Loãng xương và Chuyển hóa Xương, Bệnh viện Đa khoa Singapore, Tiến sĩ Manju Chandran, Singapore, gần đây đã được chào đón trở lại với tư cách khách mời đặc biệt trong chương trình phát thanh 'Các vấn đề sức khỏe' của Kênh Tin tức Châu Á (Channel News Asia) với người dẫn chương trình là Daniel Martin vào ngày 31 tháng 5 năm 2022.

Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO - Giải quyết tình trạng gãy xương ở khu vực đông dân nhất và có tốc độ lão hóa nhanh nhất trên thế giới
Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO - Giải quyết tình trạng gãy xương ở khu vực đông dân nhất và có tốc độ lão hóa nhanh nhất trên thế giới

02/06/2022

Bộ công cụ lâm sàng thúc đẩy cải thiện chất lượng chăm sóc người loãng xương để tránh hậu quả đáng sợ của việc gãy xương do loãng xương gồm đau, tàn tật lâu dài và mất khả năng sống độc lập

Xem thêm