Đau vai: chẩn đoán và điều trị

26/09/2018

Những triệu chứng của các vấn đề về vai, cũng như chẩn đoán và liệu pháp điều trị rất đa dạng, tùy thuộc vào từng loại vấn đề riêng biệt. Sau đây là những thông tin quan trọng cần biết về một số vấn đề vai cơ bản thường gặp nhất.

Những Điều Cần Biết Về Triệu Chứng Cùng Phương Pháp Điều Trị Của Một Số Vấn Đề Vai Cụ Thể.

TRẬT KHỚP

Khớp vai là khớp thường bị trật nhất trong các khớp của cơ thể. Tình trạng này xảy ra nếu vai bị xoay vặn hoặc bị kéo mạnh khiến khớp cầu ở đầu xương cánh tay trên bật hoàn toàn ra khỏi hốc ổ chảo. Trật khớp thường xảy khi nếu cơ bị kéo căng đột ngột hoặc vận động cơ bắp quá mức. Trật khớp vài thường xuyên khiến tính ổn định của vai bị suy giảm. Trường hợp nhẹ hơn, khớp vai có thể chỉ bị trật một phần ra khỏi vị trí ban đầu.

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Vai có khả năng bị trật về phía trước, phía sau hoặc xuống phía dưới. Khi đó, cánh tay lệch khỏi vị trí bình thường. Những triệu chứng khác kèm theo như đau, thậm chí còn dữ dội hơn do cơ co thắt; sự sưng tấy; tình trạng tê liệt; sự suy kiệt; và những vết thâm tím. Đồng thời, các gân và dây chằng nâng đỡ bao nang khớp cũng có thể bị xé rách, và, tuy ít phổ biến hơn nhưng xương hoặc dây thần kinh cũng không loại trừ nguy cơ bị thương tổn.

·              Chẩn đoán. Bác sĩ thường chẩn đoán trật khớp thông qua việc kiểm tra thể trạng; hình ảnh X-quang giúp kiểm chứng các chuẩn đoán trước đó và loại bỏ những vết nứt gãy lân cận.

·              Điều trị. Để điều trị trật khớp, bác sĩ thực hiện thủ thuật nắn để khớp cầu của đầu cánh tay trên trở vào hốc ổ chảo. Cánh tay được đeo băng hoặc thiết bị hỗ trợ để giữ cố định vai trong vài tuần tiếp sau. Bệnh nhân thường được khuyên nên nghỉ ngơi, thả lỏng vai và chườm đá ba đến bốn lần một ngày. Khi cơn đau và sưng đã dần cải thiện, người bệnh tham gia chương trình phục hồi bao gồm các bài luyện tập thích hợp. Mục đích nhằm để khôi phục lại phạm vi chuyển động của vai, tăng cường cơ bắp đồng thời hạn chế nguy cơ trật khớp trong tương lai. Mức độ luyện tập tăng dần từ những động tác đơn giản cho đến các bài tập cần dùng nhiều sức lực.

Sau quá trình trị liệu và phục hồi, khớp vai từng bị trật dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến nguy cơ tái chấn thương, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, năng động. Dây chằng có thể bị kéo căng hoặc xé rách, tăng khả năng trật vai một lần nữa. Những trường hợp trật khớp nghiêm trọng thường xuyên, có tổn thương đến các mô hoặc dây thần kinh xung quanh vai cần phải thực hiện phẫu thuật để thắt chặt dây chằng bị dãn cũng như nối lại những dây đã đứt.

Đôi khi, bác sĩ thực hiện phẫu thuật thông qua một vết rạch nhỏ, sử dụng kính soi khớp chèn vào để quan sát bên trong của khớp. Sau khi kết thúc quá trình phẫu thuật khớp này, vai có thể ổn định trong khoảng 6 tuần đầu. Tuy nhiên, quá trình hồi phục hoàn toàn kéo dài đến vài tháng. Trong một vài trường hợp khác, các bác sĩ vẫn sẽ chỉ định phẫu mở truyền thống.

Đau vai: chẩn đoán và điều trị

 

TÁCH KHỚP

Tình trạng tách khớp thường xảy ra ở đường tiếp giáp của xương đòn và xương bả vai. Khi dây chằng giữa các khớp bị tổn thương toàn bộ hoặc cục diện, vùng đầu ngoài của xương đòn có thể bị trượt đi, không còn liên kết với xương bả vai nữa. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng chấn thương này thường là do lực tác động mạnh vào vai hoặc do ngã dồn trọng lực cơ thể vào bàn tay khi đang chống đỡ cú ngã.

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Đau vai cơ năng hay thực thể và, đôi khi là một chỗ sưng ở giữa đầu vai (vùng trên khớp cùng - đòn) là những dấu hiệu chấn thương tách khớp thường gặp.

·              Chẩn đoán. Bác sĩ thường chẩn đoán tình trạng trật khớp thông qua một số bài kiểm tra thể trạng. Những hình ảnh X-quang không chỉ giúp các chẩn đoán chính xác hơn mà còn xác định được mức độ nghiêm trọng của tình trạng sức khỏe người bệnh. Để cung cấp hình ảnh tốt nhất, trong quá trình thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được yêu cầu giữ một vật nhẹ nhằm tăng kích cỡ cơ bắp vai.

·              Điều trị. Các phương pháp điều trị cơ bản là nghỉ ngơi và mang băng đeo. Ngay sau khi bị thương, hãy dùng túi đá để chườm nhằm giúp giảm đau cũng như sưng tấy. Sau một thời gian tịnh dưỡng, bạn nên đến gặp chuyên gia trị liệu để được tư vấn hỗ trợ thực hiện một số bài tập phục hồi chuyển động vai từ đơn giản đến phức tạp. Phần lớn những trường hợp tách khớp sẽ lành trong khoảng từ 2 đến 3 tháng mà không cần thêm bất kì sự can thiệp nào. Tuy nhiên, nếu dây chằng bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân cần được thực hiện phẩu thuật nhằm cố định xương đòn. Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật trong trường hợp những phương pháp điều trị cơ bản không thực sự hiệu quả.

Đau vai: chẩn đoán và điều trị

BỆNH VỀ GÂN CHÓP XOAY: VIÊM GÂN VÀ VIÊM BAO HOẠT DỊCH

Những tình trạng này đều có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng có thể độc lập hoặc đồng thời xảy ra.

Viêm gân là hiện tượng viêm (sưng tấy, đỏ và đau nhức) ở gân. Viêm gân vai bao gồm sự viêm các gân tại chóp xoay và/hoặc tại gân bắp tay, phần lớn đều là hậu quả từ việc các gân bị chèn ép bởi những bộ phận khác xung quanh. Các mức độ chấn thương có thể khác nhau, từ viêm nhẹ đến viêm toàn bộ vùng ống chóp xoay. Khi gân chóp xoay bị viêm nhiễm và dầy lên, chúng có nguy cơ bị kẹt dưới vùng mỏm cùng vai. Sự đè nén ống xoay sẽ gây nên “hội chứng chèn ép”.

Viêm bao hoạt dịch là sự viêm ở những túi nhỏ chứa chất dịch nhầy làm nhiệm vụ bảo vệ vai. Tình trạng này thường diễn tiến đồng thời với viêm gân và hội chứng chèn ép. Viêm bao dịch nhầy cũng như viêm gân chóp xoay đôi khi do các bệnh lí khác gây ra, điển hình như bệnh viêm khớp dạng thấp. Không những thế, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ việc chơi thể thao sử dụng vai quá mức hay đặc thù các công việc đòi hỏi thường xuyên phải vươn cao quá đầu.

Khi ống xoay và túi hoạt dịch bị kích ứng, viêm nhiễm cũng như sưng phồng lên, chúng có nguy cơ bị kẹp giữa đầu xương cánh tay và mỏm cùng đòn. Những cử động liên tục lặp lại của cánh tay, hoặc ảnh hưởng từ quá trình lão hóa theo năm tháng cũng có thể gây kích ứng, bào mòn gân, cơ cùng một số bộ phận lân cận.

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Xuất hiện từ từ, khởi đầu bằng sự khó chịu và đau ở vùng vai trên hoặc 1/3 phần trên của cánh tay, và/hoặc gặp khó khăn khi vai ngừng chuyển động. Viêm gân và viêm bao hoạt dịch cũng gây đau đớn khi người bệnh nhấc cánh tay lên hoặc vươn vai quá đầu. Trường hợp viêm gân bắp tay (gân nằm phía trước vai đảm nhiệm vai trò gập khuỷu tay và xoay cẳng tay), cơn đau sẽ xuất hiện ở phía trước hoặc một phần bên vai, thậm chí còn có khả năng lan truyền xuống khuỷu và cẳng tay. Cơn đau cũng dễ xảy ra khi cánh tay bị đẩy mạnh lên phía trên.

·              Chẩn đoán. Chẩn đoán viêm gân chóp xoay cũng như viêm bao hoạt dịch bắt đầu từ tiền sử bệnh lý và kiểm tra thể trạng bệnh nhân. Hình ảnh X-quang không cho thấy ảnh các gân và túi dịch, nhưng vẫn có ích trong việc loại bỏ những dị dạng xương hoặc tình trạng viêm khớp. Bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu từ vùng viêm nhiễm và xét nghiệm kiểm tra. Sau khi tiêm một lượng nhỏ thuốc gây tê giúp giảm đau (liocaine hydrochloride) vào vùng dưới mỏm cùng vai, hội chứng chèn ép có thể được xác định rõ ràng hơn.

·              Điều trị. Đầu tiên cần giảm đau và chống viêm nhiễm bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc kháng viêm. Trong một số trường hợp, bác sĩ hay những nhà vật lý trị liệu sẽ siêu âm (các rung động sóng âm nhỏ) để sưởi ấm các mô sâu nằm bên dưới, đồng thời cũng cải thiện lưu thông máu huyết. Các bài tập đơn giản bắt đầu từ việc vươn vai nhẹ nhàng và được nâng dần mức độ. Có thể chườm đá trước hoặc sau các buổi tập. Nếu tình trạng không được cải thiện, corticosteroid sẽ được chỉ định tiêm vào vùng dưới mỏm cùng vai. Mặc dù phương pháp tiêm thuốc này là cách điều trị phổ biến nhưng vẫn cần thận trọng khi sử dụng do dễ gây tổn hại đến gân. Sau 6 đến 12 tháng điều trị, nếu tình trạng bệnh nhân không có cải thiện, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở nhằm trực tiếp chữa lành những tổn thương, đồng thời giảm áp lực lên gân cũng như túi hoạt dị

Đau vai: chẩn đoán và điều trị
RÁCH GÂN CHÓP XOAY

Các gân chóp xoay có thể bị viêm do phải thường xuyên vận động quá mức, bị lão hóa, tổn thương do ngã dồn trọng lực cơ thể vào bàn tay khi đang chống đỡ, hoặc bởi các chấn thương khác. Các môn thể thao, công việc đòi hỏi vận động nâng chi cao quá đầu thường xuyên hay liên tục phải mang vác vật nặng cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng căng cơ và gân ống xoay. Quá trình lão hóa theo thời gian sẽ khiến gân suy yếu và dần thoái hóa. Tình trạng này càng kéo dài, nguy cơ rách các mô mềm càng tăng cao. Những thương tổn này khá phổ biến. Thực tế, đối với những người lớn tuổi, tình trạng bất thường chỉ được ghi nhận khi vết rách chóp xoay đi kèm với cơn đau hay một số các khuyết tật khác. May mắn thay, dạng thương tổn này hầu hết không gây đau đớn hay tê liệt. Tuy nhiên, đối với một số người, cơn đau lại cực kì dữ dội và buộc họ phải điều trị chuyên sâu kịp thời.

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Thông thường, một người bị rách gân chóp xoay sẽ cảm thấy đau vùng cơ delta ở phía trên bên ngoài vai, đặc biệt là khi nhấc tay lên hoặc dang rộng tay và hạ tay xuống. Những động tác như mặc quần áo cũng có thể gây đau. Vai sẽ cảm thấy mỏi khi cố gắng nâng tay cao ngang người. Ngoài ra còn có thể nghe thấy tiếng lách cách khi di chuyển vai. Cơn đau cùng sự mất lực khi xoay cánh tay cũng là những dấu hiệu nhận biết tình trạng rách ở gân chóp xoay. Khi hạ thấp cánh tay sang một bên sau khi cử động vai về phía sau và nâng cánh tay lên cũng có khả năng khiến người bệnh đau đớn.

·              Chẩn đoán. Kiểm tra thể trạng bệnh nhân có thể giúp bác sĩ chẩn đoán dấu hiệu hoạt động giảm sút của vai nhưng không thể kết luận được vị trí bị tổn thương. Hình ảnh X-quang cũng không thể hiện rõ tình trạng này. Chỉ có phương pháp chụp cộng hưởng (MRI) và siêu âm mới giúp phát hiện những gân bị rách.

·              Điều trị. Bệnh nhân với tổn thương gân chóp xoay nên thả lỏng vai, nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc làm lạnh vùng đau đồng thời sử dụng các loại thuốc giảm đau và sưng. Một số phương pháp khác có thể sử dụng là kích thích điện vào các cơ và dây thần kinh, siêu âm, tiêm cortisone gần khu vực viêm nhiễm. Nếu không cần phải phẫu thuật ngay, bệnh nhân sẽ tham gia vào các bài tập trị liệu nhằm luyện tập tính linh hoạt, tăng cường sức lực và phục hồi chức năng của vai. Nếu vai vẫn bị suy giảm chức năng,  không có dấu hiệu của việc hồi phục với các phương pháp trên, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở.

Các phương pháp điều trị rách gân chóp xoay tùy thuộc vào tuổi tác, sức đề kháng của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và khoảng thời gian người đó bị rách gân chóp xoay. Người bệnh với viêm gân hoặc viêm bao hoạt dịch không đi kèm với các vết rách thì không cần thiết phải phẫu thuật. Những phương pháp trị liệu không phẫu thuật bao gồm việc sử dụng thuốc kháng viêm và tiêm coritsone vào vùng viêm, tiếp nối bằng một số bài tập trị liệu tăng cường sức lực. Những cách điều trị trên nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe như nhà vật lí trị liệu, người phối hợp cùng bác sĩ điều trị.

Phẫu thuật chỉnh sửa vết rách gân chóp xoay dành cho các đối tượng:

·              Bệnh nhân trẻ, đặc biệt với bệnh nhân có vết rách nhỏ. Phẫu thuật làm tăng tỉ lệ hồi phục và hạn chế những lo ngại về tình trạng bị thương tệ hơn.

·              Những cá nhân có vết rách gây ra bởi một chấn thương cấp tính, nghiêm trọng khác. Họ nên được phẫu thuật ngay lập tức.

Tóm lại, đối với đối tượng người cao tuổi vốn đã có tiền sử tổn thương vai trong thời gian dài nên dùng phương pháp không phẫu thuật để điều trị, ngay cả trong trường hợp bị rách gân chóp xoay toàn phần. Họ được điều trị tương tự những người đau nhưng không bị rách gân. Một lần nữa, dùng thuốc kháng viêm, tiêm cortisone cùng thực hành các bài tập phục hồi chức năng thực sự phát huy hiệu quả. Vết rách gân chóp xoay được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi hoặc kĩ thuật mở.

dau vai 7.jpg

CỨNG VAI (VIÊM BAO DÍNH)

Đúng như tên gọi, chuyển động của vai sẽ cực kì khó khăn và bị hạn chế nghiêm trọng ở những bệnh nhân gặp phải hiện tượng “tê cứng vai”. Còn được biết đến với tên gọi viêm bao dính, tình trạng này là hậu quả từ phần lớn các chấn thương. Cơn đau từ những thương tổn này sẽ khiến người bệnh hạn chế sử dụng vai của mình, dần dần các cơ cùng khớp vai sẽ thiếu linh hoạt và trở nên tê cứng. Bệnh thấp khớp cùng với các cuộc phẫu thuật vai trước đây cũng là những nguyên nhân gây nên vấn đề này. Sử dụng vai không liên tục, hoạt động gián đoạn có thể làm viêm nhiễm. Sự bám dính (do những dải mô bất thường) phát triển giữa các bề mặt khớp khiến hạn chế chuyển động đáng kể. Chất hoạt dịch bôi trơn phần tiếp giáp giữa xương cánh tay và hốc ổ chảo giúp khớp vai di chuyển dễ dàng cũng bị thiếu hụt. Chính vùng không gian giới hạn giữa bao nang và khớp cầu trên xương cánh tay giúp phân biệt tình trạng viêm bao dính với một hình thức đau vai khác ít đau đớn, đỡ phức tạp hơn. Nguy cơ tê cứng vai cao hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh về phổi, viêm khớp dạng thấp và bệnh tim, hoặc các trường hợp gặp tai nạn,… Tình trạng này phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Ngoài ra, khoảng độ tuổi từ 40 đến 70 có xác suất mắc bệnh cao hơn gấp nhiều lần các nhóm tuổi còn lại.

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Khi vai tê cứng, khớp trở nên quá chặt và khô đến mức gần như thậm chí không thể thực hiện được những chuyển động đơn giản như nâng cao tay,… Tình trạng đau buốt và khó chịu này có khả năng diễn tiến trầm trọng hơn về đêm.

·              Chẩn đoán. Thông qua một số giới hạn trong chuyển động vai ghi nhận được từ bài kiểm tra thể trạng người bệnh, các bác sĩ có thể phần nào chẩn đoán sơ bộ về hiện tượng tê cứng vai. Ảnh chụp X-quang thường ít thể hiện các bất thường ngay cả khi vai bệnh nhân đang bị tê cứng.

·              Điều trị. Các phương pháp điều trị cơ bản phần lớn đều tập trung vào việc phục hồi chuyển động khớp cũng như giảm đau vai. Thông thường, việc điều trị sẽ bắt đầu bằng việc sử dụng một số loại thuốc kháng viêm không chứa steroid kết hợp chườm nóng, tiếp nối với các bài tập dãn chi nhẹ nhàng. Những bài tập này đều không bắt buộc bệnh nhân phải thực hiện nếu họ không muốn. Tất cả có thể được thực hiện tại nhà với sự hỗ trợ, tư vấn từ một bác sĩ vật lí trị liệu. Đối với một số trường hợp, phương pháp kích xung điện thần kinh xuyên da (TENS) sử dụng một đơn vị hoạt động bằng pin nhỏ có thể được dùng với mục đích giảm đau bằng cách ngăn chặn các xung thần kinh. Nếu các biện pháp trên không thực sự hiệu quả, phần lớn trường hợp tê cứng vai sẽ được phục hồi rõ rệt thông qua việc tiêm trực tiếp steroid vào vùng khớp cầu cánh tay - ổ chảo. Một số rất ít bệnh nhân lại kém may mắn hơn. Họ không hoàn toàn có dấu hiệu cải thiện sau khi được điều trị bằng các biện pháp ít xâm lấn kể trên. Đây chính là lúc gây mê toàn thân can thiệp cùng thủ thuật nội soi vùng khớp vai nhằm cắt bỏ các kết dính còn lại phát huy thế mạnh của mình.

 

GÃY XƯƠNG

Gãy xương là tình trạng nứt gãy một phần hoặc toàn bộ xương. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do bị ngã hoặc bị đánh mạnh vào vai. Ở vai, gãy xương chủ yếu liên quan đến xương đòn hoặc xương cánh tay trên (vùng dưới phần khớp cầu).

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Gãy xương vai sau hầu hết các chấn thương lớn thường đi kèm với những cơn đau nặng. Trong thời gian ngắn, các vết mẩn đỏ và bầm tím sẽ xuất hiện quanh vùng tổn thương. Đôi khi, vết nứt gãy thậm chí có thể dễ dàng quan sát được do xương lệch ra khỏi vị trí ban đầu quá nhiều.

·              Chẩn đoán. Hình ảnh X-quang đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tình trạng gãy xương cũng như xác định phần nào mức độ nghiêm trọng.

·              Điều trị. Bác sĩ sẽ cố gắng chỉnh xương về vị trí ban đầu, quá trình này góp phần thúc đẩy việc chữa lành xương và phục hồi chuyển động đáng kể. Trong trường hợp xương đòn bị gãy, bệnh nhân nên đeo băng quanh ngực nhằm giúp cố định lại. Sau đó, bệnh nhân tham gia các bài tập tăng cường sức lực cho vai và giúp phục hồi khả năng vận động. Phẫu thuật là cần thiết cho một số chấn thương xương.

Gãy cổ xương cánh tay thường được điều trị bằng băng đeo hoặc cài thiệt bị cố định vai. Nếu xương bị lệch vị trí, bác sĩ cần chỉnh lại. Các bài tập thể dục là một phần quan trọng trong quá trình trị liệu phục hồi sức lực cùng chức năng của vai.

 

VIÊM KHỚP VAI

Viêm khớp là dạng bệnh thoái hóa do sự bào mòn sụn (viêm xương khớp) hoặc viêm nhiễm (viêm khớp dạng thấp) của một hoặc nhiều khớp khác nhau. Viêm khớp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp, mà còn có tác động lên một số cấu trúc hỗ trợ khác như cơ, gân và dây chằng.

·              Dấu hiệu và triệu chứng. Những dấu hiệu thường gặp của tình trạng viêm khớp vai là đau, đặc biệt là ở khớp cùng đòn, cũng như hạn chế đáng kể chuyển động của vai.

·              Chẩn đoán. Bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ một người bị viêm khớp khi cả cơn đau và tình trạng sưng tấy ở khớp đồng thời xuất hiện. Việc chẩn đoán sẽ được xác nhận chính xác hơn thông qua thăm khám lâm sàng và chụp X-quang. Xét nghiệm máu khá hữu ích nhằm giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, nhưng đôi khi một vài xét nghiệm khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Phân tích chất hoạt dịch từ khớp vai có thể hữu ích trong chẩn đoán một số loại viêm khớp. Kĩ thuật nội soi khớp cho phép chúng ta trực tiếp quan sát các thương tổn sụn, gân và dây chằng, thậm chí còn có thể xác định xem chẩn đoán ban đầu có chính xác hay không; tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ được tiến hành song song với một cuộc phẫu thuật chỉnh hình khác.

·              Điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị viêm khớp khác nhau, việc lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc một phần vào hình thức viêm khớp mà bệnh nhân mắc phải. Viêm xương khớp vai mãn tính thường được chữa trị bằng thuốc chống viêm không chứa steroid, chẳng hạn như aspirin hay ibuprofen. Đối với viêm khớp dạng thấp, vật lý trị liệu kết hợp cùng một số loại thuốc bổ sung như corticosteroid lại được biết đến là kĩ thuật điều trị thích hợp nhất.

Trong tường hợp liệu pháp điều trị viêm khớp vai không can thiệp chưa thể giúp suy giảm cơn đau hoặc phục hồi chức năng, hay khi gặp phải tình trạng khớp bị bào mòn nghiêm trọng khiến một số bộ phận khác trở nên lỏng lẻo và trật ra khỏi vị trí thông thường, kĩ thuật thay thế khớp vai (chỉnh hình khớp) đôi khi lại cho kết quả tốt hơn đáng kể. Khi tiến hành kĩ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ cho thay thế khớp vai bằng một khớp cầu nhân tạo cho phần đầu trên xương cánh tay, cùng với một hốc nhân tạo (ổ chảo) cho phần rìa ngoài xương bả vai. Các bài tập vai thụ động (nhờ người khác hỗ trợ di chuyển cánh tay để xoay khớp vai nhẹ nhàng) thường được bắt đầu ngay sau khi phẫu thuật kết thúc. Bệnh nhân đã có thể bắt đầu tự tập các bài trị liệu trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tuần sau cuộc phẫu thuật. Cuối cùng, những bài tập kéo dài chi cũng như tăng cường sức lực cho cơ và khớp vẫn là một phần quan trọng không thể thiếu trong chương trình phục hồi chức năng. Mức độ thành công thường phụ thuộc vào tình trạng các cơ ống xoay trước khi phẫu thuật. Ngoài ra, mức độ bệnh nhân tuân thủ và bám sát đều đặn chương trình tập luyện cũng đóng vai trò tiên quyết.

 

Tin và bài liên quan

Mô-đun Giáo dục cho các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của APCO hiện có sẵn bằng 5 ngôn ngữ, cho phép cung cấp dịch vụ thực hành chăm sóc loãng xương tốt nhất trên toàn Châu Á Thái Bình Dương
Mô-đun Giáo dục cho các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của APCO hiện có sẵn bằng 5 ngôn ngữ, cho phép cung cấp dịch vụ thực hành chăm sóc loãng xương tốt nhất trên toàn Châu Á Thái Bình Dương

28/08/2022

Để ngăn chặn làn sóng gãy xương do loãng xương ở khu vực đa dạng về ngôn ngữ cũng như có tốc độ lão hóa nhanh nhất trên thế giới, và để thúc đẩy phương pháp chăm sóc bệnh loãng xương tốt nhất, Hiệp hội Loãng xương Châu Á Thái Bình Dương hôm nay đã công bố phát hành tài nguyên tương tác về giáo dục loãng xương mới- Mô-đun Giáo dục dành cho mọi người của Chuyên gia Chăm sóc Sức khỏe APCO - bằng năm ngôn ngữ phổ biến của khu vực

Ra mắt Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO & ngăn chặn cuộc “khủng hoảng” loãng xương hiện nay ở Châu Á Thái Bình Dương và cuộc phỏng vấn Chủ tịch APCO của kênh Tin tức Châu Á
Ra mắt Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO & ngăn chặn cuộc “khủng hoảng” loãng xương hiện nay ở Châu Á Thái Bình Dương và cuộc phỏng vấn Chủ tịch APCO của kênh Tin tức Châu Á

07/08/2022

Chủ tịch APCO kiêm Giám đốc Đơn vị Loãng xương và Chuyển hóa Xương, Bệnh viện Đa khoa Singapore, Tiến sĩ Manju Chandran, Singapore, gần đây đã được chào đón trở lại với tư cách khách mời đặc biệt trong chương trình phát thanh 'Các vấn đề sức khỏe' của Kênh Tin tức Châu Á (Channel News Asia) với người dẫn chương trình là Daniel Martin vào ngày 31 tháng 5 năm 2022.

Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO - Giải quyết tình trạng gãy xương ở khu vực đông dân nhất và có tốc độ lão hóa nhanh nhất trên thế giới
Bộ công cụ QI về sức khỏe xương của APCO - Giải quyết tình trạng gãy xương ở khu vực đông dân nhất và có tốc độ lão hóa nhanh nhất trên thế giới

02/06/2022

Bộ công cụ lâm sàng thúc đẩy cải thiện chất lượng chăm sóc người loãng xương để tránh hậu quả đáng sợ của việc gãy xương do loãng xương gồm đau, tàn tật lâu dài và mất khả năng sống độc lập

Xem thêm