Làm thế nào để chẩn đoán loãng xương
13/09/2018
Làm thế nào để chẩn đoán xương khỏe mạnh hay loãng xương là câu hỏi mà mỗi người chúng ta đều muốn được giải đáp khi quan tâm đến sức khỏe xương của bản thân và gia đình. Trong thành phần xương có phần khoáng giúp xương cứng chắc và mật độ khoáng xương chính là yếu tố xác định độ mạnh yếu của xương.
Chẩn đoán loãng xương gồm nhiều bước, bắt đầu bằng việc kiểm tra thể chất, tiền sử bản thân và đánh giá mật độ xương. Để lấy thông tin về tiền sử bản thân, bác sĩ có một vài câu hỏi để tìm xem liệu bạn có nguy cơ loãng xương hay gãy xương không. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy thông tin về những lần gãy xương, lối sống ( gồm chế độ ăn , thói quen tập thể dục và hút thuốc nếu có), bệnh đã và đang mắc, những thuốc đã sử dụng có liên quan đến bệnh, tiền sử gia đình về bệnh, tiền sử mãn kinh (đối với nữ) và các bệnh có liên quan khác. Bác sĩ cũng sẽ làm các bài kiểm tra thể trạng bao gồm kiểm tra sự sụt giảm chiều cao, sự thay đổi tư thế, độ thăng bằng và dáng đi.
Nếu bạn đau lưng, giảm chiều cao hay có sự thay đổi về tư thế, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang cột sống để tìm những chấn thương và dị dạng cột sống do loãng xương. Tuy nhiên, chụp X-quang không cần thiết để phát hiện loãng xương. Kết quả xét nghiệm máu có thể giúp xác định nguyên nhân gây nên loãng xương như thiếu hormone hay vitamin D. Nếu kết quả kiểm tra sức khỏe, tiền sử bản thân, chụp X-quang, hay xét nhiệm chỉ ra bạn có yếu tố nguy cơ cao hay thậm chí đã mắc bệnh loãng xương, một chỉ định chụp mật độ xương sẽ được đưa ra.
Phần khoáng giúp xương cứng chắc và mật độ khoáng xương là yếu tố xác định độ mạnh yếu của xương. Đo mật độ xương (BMD) dùng để chẩn đoán xác định loãng xương, nó giúp phát hiện sự thiếu xương trước khi tiến triển đến loãng xương cũng như dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai. Nói chung, mật độ xương càng thấp càng có nguy cơ cao gãy xương. Kết quả mật độ xương giúp định hướng điều trị loãng xương. Ngoài ra, Kiểm tra BMD có thể được dùng để kiểm soát hiệu quả điều trị.
Kỹ thuật kiểm tra mật độ xương được chấp nhận sử dụng rộng rãi nhất hiện nay chính là đo độ hấp phụ tia X bằng năng lượng kép (DXA) do tính nhanh chóng, không đau và không xâm lấn của nó. Kỹ thuật này sử dụng tia X năng lượng thấp để quét toàn bộ cơ thê khi đang nằm trên bàn đệm. DXA dùng để xác định mật độ xương toàn bộ khung xương cũng như ở các vị trí dễ bị gãy như cột sống thắt lưng hay cổ xương đùi. Đo mật độ xương ở vị trí đầu gối và cột sống bằng DXA được cho là rất đáng tin cậy để chẩn đoán loãng xương và dự đoán nguy cơ gãy xương.
Bác sĩ sẽ so sánh kết quả mật độ xương của bạn với kết quả trung bình của những người trẻ, khỏe mạnh cũng như những người cùng lứa tuổi, giới tính và chủng tộc khác. Đối với cả nam và nữ, việc chẩn đoán loãng xương bằng DXA sẽ dựa vào chỉ số T- score. Chỉ số T-score đại diện cho sự khác nhau giữa mật độ xương của bạn và mức trung bình ở những người khỏe mạnh. Nếu bạn được chẩn đoán loãng xương hay thiếu xương đồng nghĩa bạn có nguy cơ cao bị gãy xương, lúc đó bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp điều trị hay phòng ngừa loãng xương.
Cơ quan phòng bệnh Hoa Kỳ, một hội đồng độc lập của các chuyên gia về chăm sóc và phòng ngừa ban đầu, đề nghị rằng tất cả phụ nữ tuổi 65 trở lên nên được tầm soát loãng xương. Hội đồng cũng đề nghị tầm soát cho phụ nữ dưới 65 tuổi có nguy cơ cao gãy xương. Nam giới từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ cao nên hỏi bác sĩ về việc tầm soát loãng xương. Nếu bạn trên 50 tuổi có tiền sử gãy xương, bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương. Ngoài ra, bạn nên hỏi bác sĩ nếu bạn bị giảm chiều cao, bị gù lưng hay thường xuyên đau lưng đột ngột. Việc đánh giá loãng xương cũng cần được thực hiện ở những người có bệnh mãn tính, đang dùng thuốc có thể gây hủy xương