7 điều cần biết về bệnh lý cơ xương khớp
11/05/2018
Bước sang thế kỷ 21, khi tuổi thọ trung bình của con người được nâng cao hơn, nhịp sống tất bật hơn, ít vận động hơn và nhiều thực phẩm ăn nhanh hơn thì bệnh về CXK cũng gia tăng nhiều hơn. Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey NHIS) ở Mỹ năm 2008 cho thấy tình trạng cơ xương khớp mãn tính ở người trưởng thành 40% cao hơn so với tình trạng tim mạch mãn tính và gấp hai lần tất cả tình trạng hô hấp mãn;
1. Qui mô của bệnh lý cơ xương khớp (CXK):
Bước sang thế kỷ 21, khi tuổi thọ trung bình của con người được nâng cao hơn, nhịp sống tất bật hơn, ít vận động hơn và nhiều thực phẩm ăn nhanh hơn thì bệnh về CXK cũng gia tăng nhiều hơn. Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey NHIS) ở Mỹ năm 2008 cho thấy tình trạng cơ xương khớp mãn tính ở người trưởng thành 40% cao hơn so với tình trạng tim mạch mãn tính và gấp hai lần tất cả tình trạng hô hấp mãn; tần suất của bệnh cơ xương khớp gần 50% cao hơn so với tim mạch là 30% và hô hấp khoàng 24%. Mặc dù bệnh cơ xương khớp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường xảy ra hơn ở người cao tuổi, đặc biệt như các bệnh lý loãng xương, thoái hóa khớp và trong tình hình tuổi thọ dân số ngày càng gia tăng, tình trạng bệnh cơ xương khớp cũng sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai, theo ước tính của National Arthritis Data Workgroup vào năm 2005, số lượng người Mỹ bị thoái hóa khớp là 27 triệu, và con số này sẽ tăng 30% trong 10 năm tới. Bệnh lý CXK cũng đồng thời là nguyên nhân chính gây đau, mất chức năng vận động và giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh tần suất cao đi kèm những chi phí trực tiếp cho điều trị, chi phí cho sự mất ngày công lao động do bệnh tiến triển mãn tính làm cho bệnh cơ xương khớp trở thành một gánh nặng kinh tế ở các nước đã phát triển. Vì vậy Tổ chức y tế thế giới đã coi thập niên 2011-2020 là “Thập niên xương và khớp”
2. Tình hình bệnh CXK ở Việt Nam
Ở Việt Nam, số liệu nghiên cứu bước đầu của chúng tôi về các bệnh cơ xương khớp thường gặp tại TP Hồ Chí Minh cho thấy ở người trên 40 tuổi tần suất chung của thoái hóa khớp là 66%, những vị trí thường gặp nhất là cột sống thắt lưng (43%) và khớp gối (35%); đồng thời chúng tôi cũng ghi nhận có khoảng 23-29% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi có triệu chứng loãng xương, tỉ lệ này tương đương với các nước Âu Mỹ. Các số liệu này cho thấy qui mô của bệnh cơ xương khớp ở Việt Nam tương đương với các nước khác trên thế giới. Hiện nay tỉ lệ người cao tuổi trong dân số nước ta đã lên đến 7% và sẽ còn gia tăng nhanh trong tương lai, trong bối cảnh này thì bệnh cơ xương khớp thật sự là vấn đề y tế quan trọng ở Việt Nam. Bên cạnh các biến chứng chung của bệnh là đau mãn tính, giảm chất lượng cuộc sống và mất chức năng vận động, do chưa được quan tâm đúng mức của toàn xã hội, người bệnh cơ xương khớp ở Việt Nam còn phải đối mặt thêm với một loạt các biến chứng nguy hiểm do điều trị không đúng cách như tự mua thuốc giảm đau, kháng viêm, điều trị không theo chỉ định, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như hội chứng Cushing do thuốc, hội chứng dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và ngay cả tử vong.
3. Triệu chứng nổi bật của bệnh cơ xương khớp là đau.
Về chuyên môn, đau trong cơ xương khớp được phân thành 2 loại: đau do cơ học và do viêm. Trong đó, đau do viêm xuất hiện đau liên tục cả khi nghỉ ngơi, thường vào ban đêm, nhất là khi gần sáng. Bệnh thường kèm theo biểu hiện viêm: sưng-nóng-đỏ; Hạn chế vận động do cứng khớp, thường xuất hiện rõ vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau khi nằm, ngồi yên tĩnh lâu, thời gian cứng khớp thường kéo dài trên 1giờ. Nếu bệnh tiến triển nặng thì triệu chứng đau liên tục suốt ngày đêm. Cơn đau không thuyên giảm dù bệnh nhân nằm nghỉ dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, stress...Các bệnh lý đau cơ xương khớp do viêm thường gặp: viêm đa khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ hệ thống v.v...là những bệnh tự miễn phức tạp, hoặc bệnh khớp tinh thể như gút, hoặc do nhiễm trùng như lao khớp, viêm khớp nhiễm trùng….
Với đau khớp do cơ học, thì cơn đau xuất hiện khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau xuất hiện từng cơn và không kéo dài. Bệnh có thể kèm theo cứng khớp khi vận động sau yên tĩnh một khoảng thời gian, tuy nhiên thời gian cứng khớp cũng thường ngắn dưới 30 phút. Nguyên nhân đau cơ học thường do các bệnh lý thoái hóa khớp, loãng xương, hoại tử xương, chấn thương cơ xương khớp...
4. Như chúng ta thấy các bệnh xương khớp tuy có chung triệu chứng đau nhức nhưng có đến vài chục dạng bệnh khác nhau, mỗi loại cần có những chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị riêng, thuốc đặc trị riêng giúp chặn đứng tiến triển của bệnh, nên việc tự ý dùng thuốc tràn lan sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Những cơn đau của bệnh lý cơ xương khớp thông thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất nặng nề đến chất lượng sống, tâm sinh lý người bệnh. Mặt khác, đối với các cơn đau do viêm cơ xương khớp, nếu không xử lý sớm, tình trạng viêm sẽ nhanh chóng nặng lên và lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn động, sinh hoạt người bệnh. Do vậy, người bệnh cần được tìm hiểu rõ nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp. Và để đáp ứng được yêu cầu này, bệnh nhân cơ xương khớp cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.
5. Bình thường, để kiểm soát các cơn đau của bệnh lý cơ xương khớp tại nhà, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc giảm đau, giảm đau kháng viêm không steroids như paracetamol, gel thoa ngoài da hay cao dán...kết hợp với nghỉ ngơi hoặc các bài luyện tập thích hợp.
Tuy nhiên, một thực tế khác cho thấy, do thiếu kiến thức, do mong muốn giảm đau, giảm viêm nhanh, không ít người bệnh đã lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm chứa corticoid như dexa chẳng hạn. Các loại thuốc nhóm corticoid đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều trong điều trị nhiều căn bệnh khác nhau nhưng chưa có sự quản lý đúng mức về việc sản xuất, buôn bán các loại thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc Trung Quốc và cả thuốc tây… đã tạo điều kiện cho BN mua và sử dụng thuốc tùy tiện, bừa bãi.
Công dụng của thuốc có chứa corticoid là giảm nhanh triệu chứng đau nhức, kèm theo hiệu quả hạ sốt, kích thích ăn ngon miệng, corticoid còn có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên người bệnh cứ nghĩ thuốc này là thần dược, bất cứ bệnh lý nào cũng được giải quyết nhanh chóng, từ các bệnh khớp gồm viêm và không viêm, đến bệnh tự miễn cho đến bệnh ác tính. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc không theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc, dễ dẫn đến sự lạm dụng thuốc gây ra những hậu quả đáng tiếc. Chỉ sau một thời gian ngưng thuốc, triệu chứng ban đầu sẽ tái phát, làm bệnh nhân phải sử dụng lại thuốc cũ có chứa corticod, dần dần đưa đến “ghiền” thuốc, vì không uống đúng corticoid, các triệu chứng ban đầu sẽ nặng hơn kèm theo bệnh nhân đau nhức, chán ăn, buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi không chịu nỗi, nặng hơn nữa có thể gây huyết áp thấp hay tụt huyết áp, và đây là biểu hiện của tình trạng suy thượng thận cấp. Chỉ cần mỗi ngày uống một viên Dexa 0,5mg (một loại thuốc có chứa corticoid) trong 2 tuần, cũng đủ gây ra hàng loạt các tác dụng phụ khác như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng mỡ máu, rối loạn nước - điện giải, nứt da, rậm lông, phân bố mỡ bất thường trong cơ thể ở vùng mặt - cổ - vai - bụng, nhưng phần cơ ở tứ chi bị teo, yếu cơ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Bên cạnh các biến chứng trên, bệnh nhân thường có tình trạng lo lắng, mệt mỏi, trầm cảm, giảm trí nhớ, kém tập trung, cơn hưng phấn hay trầm cảm, thậm chí ý định tự tử.. Về lâu dài, bệnh nhân còn bị loãng xương, gãy xương do loãng xương, giảm sức đề kháng, giảm đáp ứng với điều trị. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có thể bị những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nặng, suy thượng thận cấp, nếu điều trị không kịp thời và đúng mức, có thể đưa đến tử vong.
6. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về bệnh, cũng như về tác hại của thuốc corticoid. Bên cạnh đó, sự quản lý không đúng mức việc sản xuất, buôn bán các loại thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc và cả thuốc tây y tràn lan, đã tạo điều kiện cho bệnh nhân mua và sử dụng thuốc tuỳ tiện, bừa bãi, dẫn đến tình trạng tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng bởi thuốc corticoid ngày càng phổ biến hơn.
Để tránh những tác hại của thuốc giảm đau, đặc biệt của corticoid, bệnh nhân cần phải được thăm khám và phải dùng thuốc đúng chỉ định và theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc dùng lâu dài phải được bác sĩ theo sát để điều chỉnh liều thuốc phù hợp giai đoạn bệnh, kèm có biện pháp xử trí kịp thời nếu có tác dụng phụ xảy ra. Không nên uống thuốc đông y dạng viên tễ, các loại thuốc không rõ thành phần.
7. Tóm lại, Để đề phòng bệnh lý cơ xương khớp, chúng ta cần có chế độ lao động, học tập, sinh hoạt nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Lưu ý các tư thế đúng, tránh các tác động quá mạnh, quá đột ngột và sai tư thế khi mang, vác, đẩy, xách, nâng các vật dụng.
Luyện tập thể dục đều đặn cũng giúp tránh nguy cơ bệnh cơ xương khớp do loãng xương sau này.
Đối với người bệnh cũng cần có chế độ luyện tập, vận động phù hợp với từng lứa tuổi, đặc điểm trạng thái sinh lý thể chất cơ thể, tình trạng sức khỏe.
Việc khám và tư vấn định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nói chung và bệnh lý cơ xương khớp bói riêng cũng giúp chúng ta nâng cáo chất lượng cuộc sống.