Tại sao bệnh nhân tiểu đường hay bị gãy xương?

17/07/2018

Đó là một câu hỏi khó. Bệnh nhân tiểu đường thường có mật độ xương cao hơn người không mắc bệnh. Mật độ xương cao thì xương mạnh, và người có mật độ xương cao ít bị gãy xương. Thế nhưng trong thực tế, bệnh nhân tiểu đường bị gãy xương nhiều hơn người không mắc bệnh tiểu đường! Tại sao? Trả lời câu hỏi đơn giản này không dễ, nhưng chúng tôi nghĩ mình đã có câu trả lời qua một bài báo mới được chấp nhận cho công bố trên Osteoporosis International (1).

Ở TPHCM hiện nay, có khoảng 10-12% người lớn mắc bệnh tiểu đường. Nếu tính cả 'tiền tiểu đường' thì con số là 50%! Đó là một dịch bệnh rồi, không thể xem thường được.

Có nhiều lí do tại sao bệnh nhân tiểu đường dễ bị gãy xương. Nhưng lí do chúng tôi quan tâm và đặt giả thuyết là do cơ cấu xương của họ khác với người bình thường. Cơ cấu xương ở đây là xương xốp (trabecular bone) và xương đặc (cortical bone). Trong xương xốp có xương đặc, và trong xương đặc có xương xốp (kiểu như trong âm có dương, và trong dương có âm). Chẳng hạn như xương cột sống chủ yếu là xương xốp, còn xương đùi chủ yếu là xương đặc. Giả thuyết chúng tôi đặt ra là bệnh nhân tiểu đường có ít xương đặc hơn người bình thường, và xương đặc là yếu tố quyết định sức mạnh của xương, nên họ bị gãy xương nhiều hơn.

Để kiểm định giả thuyết đó, chúng tôi phải dùng dữ liệu của VOS (Vietnam Osteoporosis Study). Chúng tôi đo HbA1c trên 1115 nữ và 614 nam tuổi trên 30. Trong số này có khoảng 8% là tiểu đường (theo tiêu chuẩn HbA1c trên 6.5%), nhưng đa số không biết và không dùng thuốc tiểu đường. Ngoài ra, chúng tôi dùng máy pQCT để đo cấu trúc xương của tất cả nam và nữ trong nghiên cứu. Chúng tôi dùng một phương pháp phân tích gọi là 'propensity score analysis' (bắt chước mô hình randomized controlled trial) để xác định mối liên quan giữa cấu trúc xương và tiểu đường.

Kết quả cho thấy bệnh nhân tiểu đường có mật độ xương xốp (volumetric BMD) ở xương tay cao hơn người không bị tiểu đường. Nhưng xương đặc ở bệnh nhân tiểu đường thì thấp hơn nhóm không bị tiểu đường. Bởi vì xương đặc có liên quan mật thiết với sức mạnh xương, nên đây là một lí giải tại sao bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ gãy xương cao hơn người không bị tiểu đường.

Kết quả này có ý nghĩa gì? Nó có ý nghĩa rằng khi bác sĩ gặp bệnh nhân tiểu đường thì kết qua đo mật độ xương bằng máy DXA chẳng có ý nghĩa gì cả. Lí do là DXA chỉ đo xương 2 chiều, và nó không phản ảnh được xương xốp và xương đặc. Các mô hình để đánh giá nguy cơ gãy xương hiện nay (như Garvan và FRAX) không thể áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường. Nếu có áp dụng thì phải hạ thấp mật độ xương 1 hay 0.5 độ lệch chuẩn. Cách hay nhất là giới thiệu bệnh nhân tiểu đường đo bằng máy pQCT.

Chúng tôi rất tự hào đã đóng góp vào y văn một công trình nghiên cứu quan trọng về một chủ đề cũng rất quan trọng.

---

(1) Ho-Pham LT, Chau PMN, Do AT, Nguyen HC, Nguyen TV. Type 2 diabetes is associated with higher trabecular bone density but lower cortical bone density: the Vietnam Osteoporosis Study. Osteoporos Int. 2018 Jul 2. doi: 10.1007/s00198-018-4579-5.

Tin và bài liên quan

KẾT NỐI TRONG CHĂM SÓC LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG – HƯỚNG DẪN CỦA TỪNG QUỐC GIA
KẾT NỐI TRONG CHĂM SÓC LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG – HƯỚNG DẪN CỦA TỪNG QUỐC GIA

26/10/2021

APCO Framework (Khung APCO) có thể trợ giúp như thế nào ?

PHÁ VỠ HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG
PHÁ VỠ HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG

14/10/2021

Mỗi chuyên gia trình bày về bối cảnh loãng xương ở quốc gia của họ, vạch ra các nỗ lực khác nhau đang được tiến hành để giải quyết gánh nặng của bệnh loãng xương và giải thích cách thức triển khai APCO Framework trên toàn khu vực để cải thiện việc sàng lọc, chẩn đoán và quản lý bệnh loãng xương.

LIỆU PHÁP HORMONE (ANDROGEN) ĐỐI VỚI UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT - MỘT YẾU TỐ NGUY CƠ THƯỜNG BỊ LÃNG QUÊN ĐỐI VỚI BỆNH LOÃNG XƯƠNG
LIỆU PHÁP HORMONE (ANDROGEN) ĐỐI VỚI UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT - MỘT YẾU TỐ NGUY CƠ THƯỜNG BỊ LÃNG QUÊN ĐỐI VỚI BỆNH LOÃNG XƯƠNG

24/05/2021

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ác tính của tạng đặc ở nam giới phổ biến nhất. Gần một nửa số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ được điều trị bằng liệu pháp loại bỏ androgen (androgen deprivation therapy-ADT) để ngăn chặn mức testosterone. Trong khi điều này cải thiện tỷ lệ sống và tỷ lệ tử vong không bệnh tật, ADT có liên quan đến việc mất BMD và tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương. Biến chứng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến do dân số già và tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt và loãng xương ngày càng gia tăng theo tuổi tác.

Xem thêm