Thay đổi mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh: Yếu tố nguy cơ

25/06/2018

Mục tiêu. Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh thường mất mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.  Mật độ xương ở người ăn chay thấp hơn so với người ăn mặn.  Vì chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ mất xương ở người Việt, chúng tôi thực hiện công trình nghiên cứu này với hai mục đích: (i) ước lượng tỷ lệ mất xương trong nhóm ăn chay và ăn mặn; và (ii) tìm hiểu yếu tố tiên lượng mất xương ở những phụ nữ này.

Hồ Phạm Thục Lan, Vũ Quốc Bảo, Lại Quốc Thái, Phạm Ngọc Hoa, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Văn Tuấn Khoa Khớp, bệnh viện Nhân dân 115 đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Đại học New South Wales, Sydney, Australia

TÓM LƯỢC

Mục tiêu. Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh thường mất mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.  Mật độ xương ở người ăn chay thấp hơn so với người ăn mặn.  Vì chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ mất xương ở người Việt, chúng tôi thực hiện công trình nghiên cứu này với hai mục đích: (i) ước lượng tỷ lệ mất xương trong nhóm ăn chay và ăn mặn; và (ii) tìm hiểu yếu tố tiên lượng mất xương ở những phụ nữ này. 

Phương pháp. Công trình nghiên cứu bao gồm 210 phụ nữ tuổi từ 50 đến 85 (105 người ăn chay và 105 người ăn mặn). Nhóm ăn chay được chọn ngẫu nhiên từ 20 chùa và tu viện; nhóm ăn mặn chọn từ cư dân sống chung quanh chùa và tu viện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.  Mật độ xương ở xương cột sống và xương đùi được đo bằng máy DXA (Hologic qDR 4500) hai lần: lần đầu vào năm 2008, và lần hai vào năm 2010. Lượng protein và lipid, calxi và các yếu tố dinh dưỡng khác được ước tính qua phần mềm Eiyokun (Trung tâm Dinh Dưỡng).  

Kết quả. Trong số 210 phụ nữ đo mật độ xương vào giai đoạn 1 (năm 2008), có 182 người tham gia vào giai đoạn 2 (2010), 28 người mất theo dõi. Mật độ xương ở xương cột sống tăng 0.72 ± 2.31% (trung bình ± độ lệch chuẩn) mỗi năm trong nhóm ăn mặn, và 0.04 ± 2.44% trong nhóm ăn chay (P = 0.08). Ở cổ xương đùi, mật độ xương trong nhóm ăn mặn giảm trung bình -1.41 ± 2.91%/năm và nhóm ăn chay -0.62 ± 3.22%/năm (P = 0.14). Ở hai nhóm, tỷ lệ mất xương cổ xương đùi tăng theo độ tuổi. Tỷ lệ mất xương ở cổ xương đùi tăng ở các phụ nữ có trọng lượng cơ thể thấp, ăn nhiều protein và lipid động vật và sử dụng corticoid.  Tuy nhiên, các yếu tố này (tuổi, cân nặng, protein và lipid) chỉ giải thích khoảng 15% những khác biệt về tỷ lệ mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

Kết luận. Ăn chay không gây tác hại đến tỷ lệ mất xương.  Corticoid và hàm lượng protein và lipid động vật có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

 

ABSTRACT

Background Aims. Bone mineral density (BMD) is lost during postmenopause, and bone loss is a risk factor for fragility fracture.  Previous studies have suggested that BMD among vegetarians is lower than among omnivores.  There have been no studies of bone loss among Vietnamese women.  In this study, we sought (i) to assess the rate of bone loss, and (ii) to determine risk factors for bone loss among postmenopausal women.

Methods. The study was designed as a prospective longitudinal investigation, with 210 women, including 105 vegans and 105 omnivores.  The vegans were randomly selected from 20 temples and monasteries in Ho Chi Minh City.  The omnivores were randomly selected from households surrounding the temples and monasteries.  BMD at the lumbar spine, femoral neck and whole body was measured by DXA (Hologic QDR 4500).  BMD was measured initially in 2008 and was then repeated in 2010.  Dietary protein and lipid intakes were assessed by a food frequency questionnaire and by the Eiyokun program.  

Results. Among the 210 women initially participated in the study in 2008, 181 women had been completely followed-up until 2010.  Lumbar spine BMD increased by 0.72 ± 2.31% per year (mean ± standard deviation) in the omnivores group, and 0.04 ± 2.44% in the vegan group (P = 0.08).  For femoral neck BMD, the rate of loss was -1.41 ± 2.91%/year was observed in omnivores and -0.62 ± 3.22%/year(P = 0.14) in vegans.  In either group, the rate of femoral neck bone loss increased with advancing age.  The rate of femoral neck bone loss was inversely related to lower body weight, higher intakes of animal protein and lipid, and corticosteroid users.  Collectively, these risk factors accounted for approximately 15% of variance in the rate of bone loss.

Conclusions. These data suggested that vegan diet does not have adverse effect on bone loss.  Corticoisteroid users and high intakes of animal protein and animal lipid seem to have adverse effects on bone loss among postmenopausal women. 

 

DẪN NHẬP

Mật độ xương (MĐX, bone mineral density) là một yếu tố quan trọng trong việc tiên lượng gãy xương.  Nhiều nghiên cứu trong quá khứ ở quần thể người da trắng cho thấy cứ mỗi độ lệch chuẩn (SD) giảm MĐX làm tăng nguy cơ gãy xương khoảng 2-3 lần (1, 2).  Mối liên hệ giữa suy giảm MĐX (bone loss) và gãy xương có xu hướng tùy thuộc vào vị trí xương.  Chẳng hạn như MĐX đo tại xương đùi tiên lượng gãy cổ xương đùi tốt hơn MĐX đo tại xương cột sống ; ngược lại, MĐX xương cột sống có độ tiên lượng gãy đốt sống đặc hiệu hơn MĐX tại xương đùi (3).  Ở phụ nữ, khoảng 50% trường hợp gãy xương là do suy giảm MĐX (4).

Ở phụ nữ sau mãn kinh, MĐX hoặc suy giảm hoặc thay đổi tùy theo độ tuổi.  Qua một số nghiên cứu theo thời gian cũng ở những quần thể người da trắng, MĐX xương đùi suy giảm khoảng 1% mỗi năm, và tỷ lệ này có xu hướng tăng theo độ tuổi (5, 6).  Tuy nhiên, MĐX xương đốt sống có xu hướng tăng theo độ tuổi, có lẽ một phần do ảnh hưởng của osteophytosis và một phần do sai số trong kỹ thuật đo lường (7).  Tỷ lệ suy giảm MĐX có liên hệ với nguy cơ gãy xương.  Phụ nữ có tỷ lệ mất xương tăng cũng là những người có nguy cơ gãy xương gia tăng, đặc biệt là cổ xương đùi (8).

Tuy các yếu tố nguy cơ liên quan đến MĐX đã được nghiên cứu rất nhiều trong quá khứ, nhưng cho đến nay tình trạng suy giảm MĐX vẫn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và hiểu biết của chúng ta về suy giảm xương vẫn còn rất hạn chế.  Chúng ta biết rằng ở nữ, suy giảm estrogen sau thời mãn kinh có ảnh hưởng đến tình trạng mất xương, nhưng estrogen chỉ giải thích khoảng 5% những khác biệt về tỷ lệ giảm xương ở phụ nữ sau mãn kinh (9).  Ngoài estrogen, các yếu tố dinh dưỡng cũng có thể có liên quan đến tỷ lệ mất xương.  Thật vậy, một giả thuyết đã tồn tại từ 20 năm qua và được cộng đồng nghiên cứu về loãng xương công nhận nhưng đòi hỏi thêm bằng chứng, là đạm động vật có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương, bởi vì đạm động vật sản sinh một hàm lượng acid nội tố (endogenous acid) lớn cần thiết cho "buffer" từ xương, và do đó gia tăng các quá trình hủy xương (10). Tuy nhiên, mối tương quan giữa lượng đạm, nhất là đạm động vật, và tình trạng suy giảm MĐX vẫn chưa được nghiên cứu trong thực tế, và vẫn còn là một đề tài gây ra nhiều tranh luận trong y văn (11, 12). 

Do đó, nghiên cứu này được thiết kế để kiểm định giả thuyết rằng chế độ ăn mặn hay có nhiều protein động vật có liên quan đến tỷ lệ mất xương.  Nghiên cứu này có mục tiêu so sánh tỷ lệ thay đổi MĐX giữa hai nhóm ăn chay và ăn mặn, và tìm hiểu những yếu tố sinh hóa liên quan đến tình trạng mất MĐX ở phụ nữ sau mãn kinh.

 

PHƯƠNG PHÁP

Thiết kế nghiên cứu


Nghiên cứu này là một phần trong công trình nghiên cứu về ăn chay và loãng xương, mà qui trình và thiết kế đã được mô tả và công bố trong một bài báo trước (13, 14).  Một cách ngắn gọn, năm 2008 chúng tôi chọn ngẫu nhiên một nhóm gồm 105 ni cô trong các chùa thuộc TPHCM và 105 người ăn mặn cư ngụ chung quanh chùa.  Đến năm 2010, chúng tôi mời các đối tượng nghiên cứu trên trở lại để đo mật độ xương, đánh giá nguy cơ gãy xương và thu thập các thông tin.  Do đó, công trình nghiên cứu trình bày trong bài này là một nghiên cứu theo thời gian (longitudinal study).  Đề tài đã  được thông qua Hội đồng Khoa học của Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh

Tất cả các ni cô đều tuân hành theo chế độ ăn chay nghiêm ngặt (veganism) hoặc ăn chay sữa (lacto-vegetarianism) , và đồng ý tham gia nghiên cứu.  Nhóm không ăn chay không hạn chế chế độ ăn uống.  Chúng tôi loại bỏ các đối tượng mắc các bệnh có ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của xương như cường giáp, cường phó giáp, suy thận, hội chứng kém hấp thụ, viêm đường ruột mãn tính, đau tủy, leukemia, viêm khớp mãn tính.  Ngoài ra, đối tượng có sử dụng các thuốc có ảnh hưởng đến chuyển hóa xương: Heparine, Warfarine, Thyroxin, estrogen, v.v… cũng không được phân tích. 

chẩn đoán loãng xương, thiếu vitamin D, gãy xương đốt sống, loãng xương nam giới, tỉ trọng mỡ cơ thể, chẩn đoán béo phì, yếu tố nguy cơ loãng xương

Thông tin nhân trắc và lâm sàng

Ngoài ra, các thông tin về độ tuổi, chiểu cao, cân nặng, thành phần kinh tế xã hội như tình trạng gia đình, trình độ học vấn, nghề nghiệp, và thu nhập cá nhân cũng được thu thập bằng một bảng câu hỏi do chúng tôi thiết kế.  Chỉ số lâm sàng: mạch, huyết áp, PARA, tuổi bắt đầu có kinh, tuổi mãn kinh, tiền sử  các bệnh mắc phải, tiền sử sử dụng thuốc, vận động (hình thức vận động, số giờ trong ngày, số lần trong tuần), tiền sử gãy xương.

Dữ liệu liên quan đến chế độ ăn uống: thói quen uống cà phê, rượu bia, thuốc lá, khẩu phần ăn trong 24h qua bằng phương pháp gợi nhớ và ghi nhận chế độ ăn 2 ngày bất kỳ trong tuần (cơm, rau củ, trái cây, đậu nành, thịt cá, trứng, sữa, chất béo, muối, đường), lượng giá bằng đơn vị ly, muỗng .  Chúng tôi dựa vào hướng dẫn của Trung tâm Dinh dưỡng để khai thác thành phần thức ăn và điền vào bản mẫu câu hỏi. Thành phần thức ăn được phân tích bằng phần mềm “ Eiyokun ” (Trung tâm Dinh dưỡng), với kết quả bao gồm calories, protein động vật và thực vật, lipid động vật và thực vật, carbohydrate, calcium, phosphate, sodium, potassium và magnesium.

Phân tích protein

Dữ liệu liên quan đến chế độ ăn uống được thu thập bằng một bộ câu hỏi để khai thác thành phần thức ăn và điền vào bản mẫu câu hỏi liên quan đến thói quen uống cà phê, rượu bia, thuốc lá, và khẩu phần ăn.  Khẩu phần ăn được thu thập bằng phương pháp gợi nhớ và ghi nhận chế độ ăn 2 ngày bất kỳ trong tuần, với lượng giá bằng đơn vị ly, muỗng. Bộ câu hỏi thu thập dữ liệu về thói quen ăn liên quan đến cơm, cá, gan, thịt (heo, bò và các loại động vật khác), trứng, rau tươi, trái cây, sữa, v.v... Những thức ăn này được hỏi định lượng bằng cách hỏi đối tượng về số lượng ăn hàng ngày và hàng tuần.  Thành phần thức ăn được phân tích bằng phần mềm “Eiyokun” (Trung tâm Dinh dưỡng), với kết quả bao gồm calories, protein động vật và thực vật, lipid động vật và thực vật, carbohydrate, calcium, phosphate, sodium, potassium và magnesium.

Mật độ xương

Mật độ xương ở vị trí cột sống, cổ xương đùi và toàn thân được đo bằng phương pháp X quang năng lượng kép (dual energy X-ray absorptiometry hay DXA) với máy Hologic QDR 4500 (Madison, Wisconsin, USA).  Hệ số tin cậy (coefficient of reliability) của máy DXA dao động trong khoảng 0.97 đến 0.99. 

Mỗi đối tượng được đo 2 lần cách nhau khoảng 24 tháng.  Lần đo đầu tiên (baseline) được thực hiện trong thời gian 2/2008 đến 7/2008.  Lần đo thứ hai được thực hiện trong 5 tháng từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 5 năm 2010.  Thời gian 24 tháng cần thiết để ước tính tỷ lệ thay đổi BMD cho từng cá nhân.

Phân tích số liệu

Tỷ lệ thay đổi BMD được ước tính cho từng đối tượng nghiên cứu qua công thức (BMD2 – BMD1) / BMD1; trong đó BMD1 là mật độ xương đo lúc vào năm 2008, và BMD2 là mật độ xương đo vào năm 2010.  Tỷ lệ thay đổi xương được tính trên mỗi năm.  So sánh tỷ lệ thay đổi mật độ xương giữa 2 nhóm ăn chay và ăn mặn được bằng kiểm định t, và sau đó điều chỉnh cho các yếu tố nguy cơ bằng phương pháp phân tích hiệp biến (analysis of covariance), với các biến tiên lượng bao gồm độ tuổi, hàm lượng protein động vật, và sử dụng corticosteroid.  Tất cả phân tích được thực hiện bằng phần mềm thống kê R (15).

 

KẾT QUẢ

Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Nói chung, hai nhóm ăn chay và ăn mặn rất tương đương nhau về các chỉ số nhân trắc.  Chẳng hạn như tuổi trung bình của hai nhóm là 62, với độ lệch chuẩn là 10 năm. BMI của hai nhóm là 24 kg/m2 (độ lệch chuẩn: 3), và không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm.  Tuy nhiên, nhóm ăn mặn có nhiều người uống cà phê và dùng rượu bia hơn nhóm ăn chay (Bảng 1).

Tính chung, trong 210 đối tượng tham gia nghiên cứu ở giai đoạn 1, sau 2 năm theo dõi, có 28 (13.3%) người bị mất theo dõi, trong đó, có 4 trường hợp tử vong (2 trong nhóm ăn chay, và 2 trong nhóm không ăn chay); 9 trường hợp không đồng ý tham gia lần 2; 5 trường hợp già yếu không đi lại được; 2 trường hợp định cư ở nước ngoải; 3 trường hợp đi xa; 5 trường hợp mất liên lạc. Trong số 182 đối tượng tham gia giai đoạn 2, có một đối tượng với mật độ xương không thể phân tích.  Tính chung, có 88 người thuộc nhóm ăn chay (85.7%), và 93 người thuộc nhóm không ăn chay (88.6%).

Đặc điểm của hai nhóm theo dõi và mất theo dõi được trình bày trong (Bảng 2).  Độ tuổi trung bình của nhóm mất theo dõi cao hơn nhóm theo dõi (66 và 61 tuổi) (P = 0.014). Tính trung bình, BMD của nhóm mất theo dõi thấp hơn nhóm theo dõi đầy đủ: BMD xương cột sống (0.70 và 0.77 g/cm2; P = 0.014), cổ xương đùi (0.59 và 0.63g/cm2; P = 0.062), và xương toàn thân (0.86 và 0.90 g/cm2, P = 0.074).  Các đặc điểm lâm sàng khác như sử dụng corticoid và tiền căn gãy xương tương đương giữa 2 nhóm.

chẩn đoán loãng xương, thiếu vitamin D, gãy xương đốt sống, loãng xương nam giới, tỉ trọng mỡ cơ thể, chẩn đoán béo phì, yếu tố nguy cơ loãng xương

Độ thay đổi BMD

Sự thay đổi mật độ xương khác biệt đáng kể giữa các vị trí xương.  Trong khi mật độ xương của xương cột sống và xương toàn thân có xu hướng tăng, mật độ xương của cổ xương đùi giảm theo thời gian (Bảng 3).  Tỷ lệ thay đổi mật độ xương không khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm ăn chay và ăn mặn.  Chẳng hạn như mật độ xương của cổ xương đùi giảm trung bình 0.62% mỗi năm trong nhóm ăn chay và 1.41% trong nhóm ăn mặn (P = 0.143).  Ngược lại, mật độ xương của xương cột sống trong nhóm ăn chay gần như không thay đổi sau 2 năm, nhưng nhóm ăn mặn có tỷ lệ tăng 0.72% mỗi năm (P = 0.078). 

Phân tích theo độ tuổi (Bảng 4) cho thấy tỷ lệ giảm xương ở cổ xương đùi có xu hướng tăng theo độ tuổi.  Chẳng hạn như ở phụ nữ 50-59, tỷ lệ giảm mật độ xương cổ xương đùi là 1.25%/năm, ở độ tuổi 60-69 là 0.54%/năm, nhưng lại tăng ở những phụ nữ trong độ tuổi 70+ với tỷ lệ giảm 1.03%/năm.  Tuy nhiên, đối với xương cột sống, mật độ xương tăng dần theo độ tuổi: -0.07%/năm trong độ tuổi 50-59; khoảng 1%/năm trong độ tuổi 60-69, và 1.15%/năm trong độ tuổi 70+.  Một xu hướng gia tăng theo độ tuổi tương tự cũng được ghi nhận ở xương toàn thân.

Thành phần dinh dưỡng

Phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy nhóm ăn chay có lượng protein, lipid, phospho, năng lượng, calcium, Na, P, và Mg đều thấp hơn nhóm ăn mặn.   Chẳng hạn tính trung bình, tổng số đạm trong nhóm ăn chay (35,4 g/d) chỉ khoảng phân nửa so với nhóm ăn mặn  (62,6 g/d).  Lượng đạm trong nhóm ăn mặn tương đương với lượng đạm trung bình trong cộng đồng, và cũng tương đương với lượng đạm ở người Mĩ (khoảng 63 g/d).

Ngoài ra, lượng lipid trong nhóm ăn chay cũng thấp hơn nhóm ăn mặn.  Một số ni cô sử dụng sữa bò, nên có lượng protein động vật (2,1 g/d) và lipid động vật (1,8 g/d) trong nhóm ăn chay (Bảng 5).  Đáng chú ý là lượng calcium từ thức ăn trong nhóm ăn chay rất thấp (330 mg/d) so với nhóm ăn mặn (682 mg/d; P < 0,001).

Yếu tố tiên lượng của sự thay đổi BMD

Kết quả phân tích mối tương quan giữa yếu tố tiên lượng và tỷ lệ mất xương được trình bày trong Bảng 6.  Ở xương cột sống, tỷ lệ thay đổi mật độ xương tăng theo độ tuổi, lượng nạc, lượng lipid từ thực phẩm, nhưng dùng corticoid có ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ thay đổi xương.  Tuy nhiên, phụ nữ sử dụng corticoid và lượng protein thực vật nhiều có tỷ lệ tăng mật độ xương thấp hơn nhóm không dùng corticoid và lượng protein thực vật thấp. 

Ở cổ xương đùi, tỷ lệ mất xương tăng theo độ tuổi và lipid động vật, và tỉ số protein động vật trên thực vật.  Tuy nhiên, lượng nạc và mỡ trong cơ thể có ảnh hưởng giảm tỷ lệ mất xương.  Đối với xương toàn thân, chỉ có hai yếu tố tiên lượng có ý nghĩa thống kê: đó là độ tuổi và tiền sử gãy xương.  Tất cả những yếu tố tiên lượng này chỉ giải thích khoảng 10% (xương toàn thân) đến 18% (xương đùi) những khác biệt về tỷ lệ thay đổi mật độ xương.

 

BÀN LUẬN

Mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh là kết quả của hai thông số sinh học: mật độ xương đỉnh (peak bone mineral density) đạt được khi ở độ tuổi 20-30, và tỷ lệ mất xương sau thời kỳ mãn kinh.  Do đó, chúng tôi đặt giả thuyết rằng người ăn chay có mật độ xương thấp hơn người ăn mặn là do họ mất xương nhiều hơn người ăn mặn.  Thật vậy, một phân tích tổng hợp của chúng tôi (16) cho thấy người ăn chay, đặc biệt là ăn chay thuần túy (vegans), có mật độ xương thấp hơn người ăn mặn.  Do đó, chúng tôi đặt giả thuyết rằng người ăn chay có mật độ xương thấp hơn người không ăn chay là do tỷ lệ mất xương ở người ăn chay cao hơn người không ăn chay.  Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ mất xương ở người ăn chay thấp hơn so nhóm người không ăn chay, mặc dù sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê và có lẽ cũng không có ý nghĩa lâm sàng. 

Mất xương sau mãn kinh là một hiện tượng tương đối phổ quát.  Thật vậy, nhiều nghiên cứu ở người Âu Mỹ trước đây (5, 6) tìm thấy tỷ lệ mất xương dao động trong khoảng 0.7-2% mỗi năm.  Kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ mất xương khoảng 1%/năm, tức rất nhất quán với kết quả báo cáo trong y văn.  Tuy nhiên, mất xương chỉ ghi nhận ở cổ xương đùi, chứ không ở vị trí khác.  Thật vậy, nghiên cứu này cho thấy mật độ xương tại xương cột sống có xu hướng tăng theo độ tuổi, và kết quả này cũng nhất quán với nghiên cứu ở phụ nữ Úc (6, 8).  Nguyên nhân của sự tăng mật độ xương cột sống rất có thể là do osteophytosis (17), là tình trạng phát triển gai xương và đặc xương dưới sụn thường gặp trong bệnh lý thoái hoá khớp (osteoarthritis), vốn có ảnh hưởng đến kỹ thuật đo mật độ xương bằng máy DXA.Trong nghiên này, chúng ta không/chưa đánh giá osteophytosis ở các đối tượng nghiên cứu, nên chưa thể ước tính ảnh hưởng của yếu tố này đến sự gia tăng mật độ xương cột sống. Tuy nhiên, kết quả này một lần nữa cho thấy mật độ xương cột sống khó có thể sử dụng để chẩn đoán loãng xương hay đánh giá "sức khỏe xương" ở người cao tuổi ; chỉ có mật độ xương ở cổ xương đùi có ý nghĩa lâm sàng nhất so với các vị trí khác.  

Một phát hiện đáng chú ý trong nghiên cứu này là tỷ lệ mất xương ở cổ xương đùi tương đối cao trong độ tuổi 50-59 (1.15%/năm), giảm xuống còn 0.5%/năm trong độ tuổi 60-69, và tăng lên 1%/năm trong độ tuổi 70+.  Kết quả này cũng phù hợp với y văn ; theo đó, mật độ xương thường suy giảm theo hai giai đoạn : tỷ lệ mất xương cao trong giai đoạn đầu sau độ tuổi mãn kinh, và sau đó giảm một thời gian và lại tăng dần theo độ tuổi (18).  Do đó, dựa vào phát hiện này, có thể nói rằng thời kỳ lý tưởng để phòng ngừa mất xương là ngay sau độ tuổi mãn kinh (tức khoảng 50).  Chúng tôi ghi nhận rằng hàm lượng calxi từ thực phẩm trong nhóm ăn chay chỉ 375 mg/ngày, rất thấp so với 683 mg/ngày trong nhóm ăn mặn.  Tuy nhiên cả hai nhóm đều có lượng calxi từ thực phẩm quá thấp so với mức độ cần thiết (1000 mg/ngày) để duy trì xương.  Trong điều kiện thiếu calxi như ghi nhận qua nghiên cứu này, có lẽ bổ sung calxi, nhất là cho nhóm ăn chay, là một biện pháp thực tế để giảm tỷ lệ mất chất khoảng trong xương (12, 19, 20).

Kết quả phân tích tiên lượng cho thấy ngoài độ tuổi, thành phần cơ thể (như lượng nạc và mỡ - lean mass và fat mass) có mối liên hệ với tỷ lệ mất xương.  Điều này có nghĩa là duy trì cân nặng (tránh để mất cân quá nhiều) cũng có thể là một biện pháp phòng chống mất mật xương hữu hiệu (19, 21).  Một phát hiện đáng chú ý trong nghiên cứu này là chất béo (lipid) động vật và tỉ số protein động vật trên protein thực vật có liên quan đến tỷ lệ mất xương ở cổ xương đùi.  Có lẽ phần lớn mối liên hệ này phản ảnh qua nhóm ăn mặn có tỷ lệ mất xương cao hơn nhóm ăn chay.  Trước đây, có nghiên cứu cho thấy người ăn uống nhiều đạm động vật có tỷ lệ gãy xương thấp, nhưng mặt khác cũng có nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều đạm động vật có tỷ lệ mất xương cao (22) và tăng nguy cơ gãy xương (11).  Một vài các nghiên cứu quan sát trước đây cho thấy việc bổ sung đạm cho những người cao tuổi thiếu đạm trong chế độ ăn có hiệu quả giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi (23, 24).  Do đó, kết quả của chúng tôi khi đặt vào bối cảnh y văn, cho thấy ăn nhiều chất đạm động vật có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến xương.  Phát hiện này cũng phù hợp với giả thuyết cho rằng đạm động vật sản sinh một hàm lượng acid nội tố (endogenous acid) lớn cần thiết cho "buffer" từ xương, làm gia tăng quá trình hủy xương (10) và do đó dẫn đến mất xương.

Những phát hiện trong nghiên cứu này cần phải diễn giải trong bối cảnh của một số ưu điểm và nhược điểm.  Đây là một nghiên cứu đầu tiên mang tính xuôi thời gian để đánh giá sự biến chuyển mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh, dựa vào một nhóm phụ nữ được chọn và theo dõi cẩn thận.  Kỹ thuật đo lường mật độ xương bằng DXA được xem là chuẩn nhất và chính xác nhất hiện nay.  Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có vài nhược điểm cần phải đề cập ở đây.  Thứ nhất, có 29 phụ nữ không theo dõi được, phần lớn là do những lý do khách quan, nhưng những phụ nữ này có tuổi cao hơn và mật độ xương thấp hơn.  Do đó, có khả năng những kết quả ghi nhận trong nghiên cứu là khả quan hơn so với thực tế, vì số đối tượng theo dõi được có thể là những người có sức khỏe tốt hơn những người không theo dõi được.  Thứ hai, những đối tượng nghiên cứu xuất thân từ thành phố và phân nửa là người ăn chay trường, do đó kết quả này có thể không phản ảnh tình trạng mất xương trong cộng đồng. 

Nói tóm lại, công trình nghiên cứu theo dõi 181 phụ nữ ăn chay và ăn mặn trong vòng 2 năm cho thấy mật độ xương ở cổ xương đùi suy giảm theo thời gian, nhưng mật độ xương ở xương cột sống tăng theo thời gian.  Tuy nhóm ăn chay và ít đạm động vật có tỷ lệ mất xương thấp hơn nhóm ăn mặn.  Chúng tôi kết luận rằng ăn chay không gây tác hại đến sức khỏe của xương ; ngược lại ăn chay có xu hướng giảm tỷ lệ mất xương sau thời kỳ mãn kinh.  Vì lượng calxi từ thực phẩm trong nhóm ăn chay quá thấp có thể dẫn đến nguy cơ mất xương, chúng tôi đề nghị người ăn chay nên cân nhắc bổ sung calxi đầy đủ để duy trì mật độ xương sau thời kì mãn kinh.

 

CẢM TẠ

Công trình nghiên cứu này được sự tài trợ một phần của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi chân thành cám ơn sự đóng góp nhiệt tình của các ni cô các chùa, và các phụ nữ đã tình nguyện bỏ thì giờ tham gia vào công trình nghiên cứu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Marshall D, Johnell O, Wedel H (1996) Meta-analysis of how well measures of bone mineral density predict occurrence of osteoporotic fractures. BMJ 312:1254-1259.

2.    Nguyen ND, Pongchaiyakul C, Center JR, Eisman JA, Nguyen TV (2005) Identification of high-risk individuals for hip fracture: a 14-year prospective study. J Bone Miner Res 20:1921-1928.

3.    Johnell O, Kanis JA, Oden A, Johansson H, De Laet C, Delmas P, Eisman JA, Fujiwara S, Kroger H, Mellstrom D, Meunier PJ, Melton LJ, 3rd, O'Neill T, Pols H, Reeve J, Silman A, Tenenhouse A (2005) Predictive value of BMD for hip and other fractures. J Bone Miner Res 20:1185-1194.

4.    Nguyen ND, Ahlborg HG, Center JR, Eisman JA, Nguyen TV (2007) Residual lifetime risk of fractures in women and men. J Bone Miner Res 22:781-788.

5.    Ensrud KE, Palermo L, Black DM, Cauley J, Jergas M, Orwoll ES, Nevitt MC, Fox KM, Cummings SR (1995) Hip and calcaneal bone loss increase with advancing age: longitudinal results from the study of osteoporotic fractures. J Bone Miner Res 10:1778-1787.

6.    Jones G, Nguyen T, Sambrook P, Kelly PJ, Eisman JA (1994) Progressive loss of bone in the femoral neck in elderly people: longitudinal findings from the Dubbo osteoporosis epidemiology study. BMJ 309:691-695.

7.    Nguyen TV, Pocock N, Eisman JA (2000) Interpretation of bone mineral density measurement and its change. J Clin Densitom 3:107-119.

8.    Nguyen TV, Center JR, Eisman JA (2005) Femoral neck bone loss predicts fracture risk independent of baseline BMD. J Bone Miner Res 20:1195-1201.

9.    Riggs BL, Khosla S, Melton LJ, 3rd (1998) A unitary model for involutional osteoporosis: estrogen deficiency causes both type I and type II osteoporosis in postmenopausal women and contributes to bone loss in aging men. J Bone Miner Res 13:763-773.

10.  Barzel US, Massey LK (1998) Excess dietary protein can adversely affect bone. J Nutr 128:1051-1053.

11.  Feskanich D, Willett WC, Stampfer MJ, Colditz GA (1996) Protein consumption and bone fractures in women. Am J Epidemiol 143:472-479.

12.  Heaney RP (1993) Nutritional factors in osteoporosis. Annu Rev Nutr 13:287-316.

13.  Ho-Pham LT, Nguyen ND, Vu BQ, Pham HN, Nguyen TV (2009) Prevalence and risk factors of radiographic vertebral fracture in postmenopausal Vietnamese women. Bone 45:213-217.

14.  Ho-Pham LT, Nguyen PL, Le TT, Doan TA, Tran NT, Le TA, Nguyen TV (2009) Veganism, bone mineral density, and body composition: a study in Buddhist nuns. Osteoporos Int 20:2087-2093.

15.  R Development Core Team (2008) R: A Language and Environment for Statistical Computing. URL:http://www.R-project.org. R Foundation for Statistical Computing, Vienna, Austria.

16.  Ho-Pham LT, Nguyen ND, Nguyen TV (2009) Effect of vegetarian diets on bone mineral density: a Bayesian meta-analysis. Am J Clin Nutr 90:943-950.

17.  Jones G, Nguyen T, Sambrook PN, Lord SR, Kelly PJ, Eisman JA (1995) Osteoarthritis, bone density, postural stability, and osteoporotic fractures: a population based study. J Rheumatol 22:921-925.

18.  Nguyen TV, Eisman JA (2000) Assessment of significant change in BMD: a new approach. J Bone Miner Res 15:369-372.

19.  Nguyen TV, Center JR, Eisman JA (2000) Osteoporosis in elderly men and women: effects of dietary calcium, physical activity, and body mass index. J Bone Miner Res 15:322-331.

20.  Heaney RP (2007) Bone health. Am J Clin Nutr 85:300S-303S.

21.  Nguyen TV, Howard GM, Kelly PJ, Eisman JA (1998) Bone mass, lean mass, and fat mass: same genes or same environments? Am J Epidemiol 147:3-16.

22.  Sellmeyer DE, Stone KL, Sebastian A, Cummings SR (2001) A high ratio of dietary animal to vegetable protein increases the rate of bone loss and the risk of fracture in postmenopausal women. Study of Osteoporotic Fractures Research Group. Am J Clin Nutr 73:118-122.

23.  Munger RG, Cerhan JR, Chiu BC (1999) Prospective study of dietary protein intake and risk of hip fracture in postmenopausal women. Am J Clin Nutr 69:147-152.

24.  Tylavsky FA, Anderson JJ (1988) Dietary factors in bone health of elderly lactoovovegetarian and omnivorous women. Am J Clin Nutr 48:842-849.

 

chẩn đoán loãng xương, thiếu vitamin D, gãy xương đốt sống, loãng xương nam giới, tỉ trọng mỡ cơ thể, chẩn đoán béo phì, yếu tố nguy cơ loãng xương

 

Table 2:  Đặc điểm lúc ban đầu của nhóm theo dõi và mất theo dõi  

 

Nhóm theo dõi (complete follow-up)

Nhóm mất theo dõi (lost-to-follow up)

Trị số P

Số đối tượng

181

29

 

Số người ăn chay (n; %)

88  (83.8)

17  (16.2)

 

Số người ăn mặn (h; %)

93  (88.6)

12  (11.4)

 

Độ tuổi (năm)

61  (9.2)

66  (10.4)

0.014

BMD xương đốt sống 1

0.77  (0.15)

0.70  (0.13)

0.019

BMD cố xương đùi1

0.63  (0.11)

0.59  (0.10)

0.062

BMD xương toàn thân1

0.90  (0.11)

0.86  (0.12)

0.074

Chú thích: 1Số liệu trình bày là số trung bình và độ lệch chuẩn (trong ngoặc)

 

Table 3:  Thay đổi mật độ xương trong nhóm ăn chay và ăn mặn

 

Nhóm ăn chay

Nhóm ăn mặn

Hiệu số (khoảng tin cậy 95%)

Trị số P

Số đối tượng

88

93

 

 

Độ tuổi

61.7  (9.5)

61.6  (9.6)

0.08 (-2.53, 2.68)

0.954

BMD xương đốt sống 1

0.04  (2.44)

0.72  (2.31)

0.68  (-0.08, 1.43)

0.078

BMD cố xương đùi1

-0.62  (3.22)

-1.41  (2.91)

-0.80  (-1.86, 0.27)

0.143

BMD xương toàn thân1

0.80  (1.97)

1.29  (2.08)

0.49 (-0.12, 1.11)

0.111

Chú thích: 1Số liệu trình bày là số trung bình và độ lệch chuẩn (trong ngoặc)

 

 

Bảng 4: Tỷ lệ thay đổi mật độ xương phân nhóm theo độ tuổi

 

Độ tuổi

P-value

50-59

60-69

70+

Số đối tượng

97

44

40

 

BMD xương đốt sống 1

-0.07 (2.10)

0.96 (2.65)

1.15  (2.61)

0.012

BMD cố xương đùi1

-1.25  (3.01)

-0.54  (3.45)

-1.03  (2.85)

0.074

BMD xương toàn thân1

0.59  (2.06)

1.47  (2.10)

1.87 (1.52)

<0.0001

Chú thích: 1Số liệu trình bày là số trung bình và độ lệch chuẩn (trong ngoặc)

 

 

Table 6:  Yếu tố tiên lượng thay đổi mật độ xương

Yếu tố

Hệ số hồi qui (sai số chuẩn)

Hệ số chuẩn hóa (standardized coefficient)

Trị số P 

Xương đốt sống

 

 

 

Độ tuổi

0.105 (0.034)

0.235

0.002

Lượng nạc cơ thể

0.195 (0.074)

0.192

0.009

Sử dụng corticoid

-1.879 (0.813)

-0.166

0.022

Protein thực vật

-0.075 (0.035)

-0.223

0.036

Chất béo thực vật

0.142 (0.045)

0.417

0.002

Xương đùi 

 

 

 

Độ tuổi

-0.072 (0.038)

-0.137

0.051

Lượng nạc cơ thể

0.277 (0.089)

0.234

0.002

Lượng mỡ cơ thể

0.183 (0.075)

0.182

0.016

Chất béo động vật

-0.065 (0.030)

-0.170

0.028

Tỷ số protein động vật: thực vật

-0.244 (0.094)

-0.192

0.01

Xương toàn thân

 

 

 

Độ tuổi

0.107 (0.024)

0.316

<0.0001

R-square for lumbar spine BMD: 0.15; femoral neck BMD: 0.18; whole body BMD: 0.10

Tin và bài liên quan

KẾT NỐI TRONG CHĂM SÓC LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG – HƯỚNG DẪN CỦA TỪNG QUỐC GIA
KẾT NỐI TRONG CHĂM SÓC LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG – HƯỚNG DẪN CỦA TỪNG QUỐC GIA

26/10/2021

APCO Framework (Khung APCO) có thể trợ giúp như thế nào ?

PHÁ VỠ HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG
PHÁ VỠ HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ LOÃNG XƯƠNG Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG

14/10/2021

Mỗi chuyên gia trình bày về bối cảnh loãng xương ở quốc gia của họ, vạch ra các nỗ lực khác nhau đang được tiến hành để giải quyết gánh nặng của bệnh loãng xương và giải thích cách thức triển khai APCO Framework trên toàn khu vực để cải thiện việc sàng lọc, chẩn đoán và quản lý bệnh loãng xương.

LIỆU PHÁP HORMONE (ANDROGEN) ĐỐI VỚI UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT - MỘT YẾU TỐ NGUY CƠ THƯỜNG BỊ LÃNG QUÊN ĐỐI VỚI BỆNH LOÃNG XƯƠNG
LIỆU PHÁP HORMONE (ANDROGEN) ĐỐI VỚI UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT - MỘT YẾU TỐ NGUY CƠ THƯỜNG BỊ LÃNG QUÊN ĐỐI VỚI BỆNH LOÃNG XƯƠNG

24/05/2021

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ác tính của tạng đặc ở nam giới phổ biến nhất. Gần một nửa số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ được điều trị bằng liệu pháp loại bỏ androgen (androgen deprivation therapy-ADT) để ngăn chặn mức testosterone. Trong khi điều này cải thiện tỷ lệ sống và tỷ lệ tử vong không bệnh tật, ADT có liên quan đến việc mất BMD và tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương. Biến chứng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến do dân số già và tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt và loãng xương ngày càng gia tăng theo tuổi tác.

Xem thêm